NGOẠI TÂM THU LÀ GÌ?
GS. VŨ ĐÌNH HẢI
Ở người bình thường, tim đập khá đều, khoảng 60-80 lần trong một phút. Sỡ
dĩ nói "khá đều", vì tim nhanh hay chậm còn biến đổi theo chu kỳ thở: hít
vào thì tim nhanh lên, thở ra tim chậm lại. Ở trẻ con và thanh niên, hiện
tượng này càng dễ thấy.
Muốn xem tim đập đều hay không, bác sĩ vẫn dùng ống nghe. Nhưng người không
chuyên môn cũng có thể nhận xét về nhịp tim của mình, đều hay không, nhanh
hay chậm, bằng cách đặt bàn tay lên ngực bên trái. Bắt mạch ở cổ tay không
chính xác bằng, nhưng cũng tạm được. Nếu thấy tim đập không đều, là có vấn
đề.
Ngoại tâm thu là kiểu đập không đều hay gặp nhất. Đó là những nhát tim đập
"sớm" quá, chưa đến lúc "được phép" đập, đã "tự tiện" đập rồi. Có thể nói là
ở đây, tim đã "ăn cơm trước kẻng" theo nghĩa bóng, tất nhiên. Sau nhát đập
quá sớm đó, tức là nhát ngoại tâm thu, tim thường nghỉ một lát như để lấy
lại sức, trước khi đập lại theo nhịp thường, chuyên môn gọi là "nghỉ bù".
Những lúc xảy ra một nhát ngoại tâm thu như vậy, bệnh nhân có cảm giác gì
không? Có nhiều người chẳng thấy gì cả, chỉ khi bác sĩ nghe nói lại mới biết
mình có ngoại tâm thu. Nhưng cũng có người có cảm giác rất rõ như thấy tim
đang đập đều bỗng nhiên "hẫng" một nhát, như người bước hụt, hoặc như người
đang bị vấp. Nhiều người còn thấy sau nhát hẫng đó, tim nhưngừng lại một
chút, tiếp đó đập một nhát mạnh rồi mới tiếp tục đập bình thường như trước.
Những trường hợp ngoại tâm thu điển hình, người bệnh có thể thấy rõ 3 cảm
giác đó theo thứ tự: hẫng hụt, ngừng rồi đập lại, và có thể tự mình chẩn
đoán ngoại tâm thu!
Cá biệt có trường hợp bệnh nhân thấy căng, tức ở cổ trong nhát ngoạt tâm
thu, do máu dồn ngược từ tim lên.
Nếu ngoại tâm thu xuất hiện nhiều, liên tiếp, có thể làm bệnh nhân thấy
trống ngực, hồi hộp, thậm chí mệt mỏi, khó thở...
Ngoại tâm thu như vậy là bệnh nặng hay nhẹ?
Trong thực tế, số người có ngoại tâm thu rất nhiều, ngay cả những người
bình thường, khỏe mạnh, không có bệnh tim gì khác, cũng rất hay nghe thấy
ngoại tâm thu. Nhất là những trường hợp đeo máy ghi điện tim 24 giờ liền,
khoảng 50% người lớn có ngoại tâm thu ở một lúc nào đó trong ngày. Có người
đã nói rằng: ai cũng có ngoại tâm thu ít nhất một lần trong đời mình. Điều
đó cũng dễ hiểu vì từ lúc bào thai mới được 3 tháng tuổi, cho đến lúc lìa
đời, tim đập liên tục không mệt mỏi, mỗi phút từ 60-160 lần, tất cả 2-3 tỷ
nhát trong một cuộc đời 60 năm, làm sao tránh khỏi có một nhát đập sai?
Nhưng ngoại tâm thu có ý nghĩa quan trọng ở chỗ nhiều khi nó thông báo rằng
quả tim của người đó có vấn đề. Vấn đề gì? Có hay không? Nặng hay nhẹ? Phải
bác sĩ mới trả lời được. Và do đó, cũng chỉ bác sĩ mới có thể khuyên bệnh
nhân ngoại tâm thu nên làm thế nào?
Có những trường hợp rất nhẹ: đó là những ngoại tâm thu ít, thưa, ở người
trẻ tuổi, khám không thấy bệnh tim gì khác. Những trường hợp đó bác sĩ chỉ
cần khuyên bệnh nhân bỏ thuốc lá và rượu, sống điều độ, tránh những cảm xúc
mạnh, tăng cưòng sống ngoài trời. Nếu cần, có khi phải bớt lao động cả trí
óc lẫn chân tay, hoặc có khi phải dùng thuốc an thần 1-2 tuần, không nên
dùng dài ngày vì có thể quen thuốc.
Nhưng cũng có những trường hợp bệnh nặng hơn: ngoại tâm thu xuất hiện dày;
hình ảnh điện tim các bác sĩ là có dạng nặng; bệnh nhân mệt, khó thở, trống
ngực... Những khi đó, bác sĩ phải dùng một trong những thuốc chống loạn
nhịp. Đây là những thuốc rất khó sử dụng, vì độc và gây nhiều phản ứng bất
lợi, nên bệnh nhân tuyệt đối không được tự tiện dùng. Dùng bao lâu, liều
lượng thế nào, kiêng gì, tránh dùng cùng với những thuốc nào... là những
điều mà bác sĩ chuyên khoa mới quyết định được.
Cuối cùng, có những trường hợp ngoại tâm thu xuất hiện trên "nền" của những
bệnh tim khác, phần nhiều là những bệnh tim nặng: nhồi máu cơ tim, viêm cơ
tim, bệnh van tim, bệnh tim bẩm sinh, suy tim; hoặc trên nền của những bệnh
không phải tim như thiếu máu, cường giáp (bệnh Basedow), thiếu kali trong
máu... Khi đó, chữa các bệnh đó mới là chính, phải dùng nhiều thuốc khác, có
khi phải phẫu thuật nữa, chữa ngoại tâm thu chỉ là một phần trong điều trị
những bệnh này. Và tất nhiên những trường hợp đó đòi hỏi phải được khám và
điều trị chuyên khoa ở trình độ cao.
Tóm lại, thấy ngoại tâm thu không nên hoang mang, đi hỏi dò những người
không chuyên môn. Tốt nhất là đến bác sĩ sớm xem ngoại tâm thu thuộc loại
nào, nhẹ hay nặng và nhất là xem có bệnh gì khác nữa gây ra ngoại tâm thu.
Từ những kết quả chẩn đoán đó, bác sĩ sẽ có những lời khuyên thích hợp về
sinh hoạt thuốc men, điều trị mà người bệnh cần theo cho thật đúng.