Ðặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn
Tác giả : Thạc sĩ PHẠM NHƯ HÙNG (Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam)
Vào năm 1973, lần đầu tiên nước ta cấy được máy tạo nhịp tim. Những năm đầu, các ca đặt máy tạo nhịp được tiến hành với sự kết hợp nội khoa và ngoại khoa và chuẩn bị như một cuộc mổ lớn. Từ năm 1988, nhờ những tiến bộ mới, kỹ thuật cấy máy tạo nhịp đã phổ biến tại Viện tim mạch Quốc gia Việt Nam. Hiện nay, mỗi năm có hàng trăm bệnh nhân được cấy máy tạo nhịp tim và số người được cấy máy trên toàn quốc đã lên tới hàng nghìn. Bài viết này nhằm trả lời một số câu hỏi liên quan đến vấn đề đặt máy tạo nhịp tim.
Những bệnh nhân nào cần phải cấy máy tạo nhịp tim?
Hầu hết các bệnh nhân cấy máy tạo nhịp tim là để điều trị nhịp tim quá chậm. Khi nghỉ nhịp tim thường vào khoảng 50-70 chu kỳ/phút. Khi hoạt động mạnh hoặc gắng sức, nhịp tim sẽ tăng lên gấp 2-3 lần. Nếu nhịp tim quá chậm sẽ không đủ máu cung cấp cho não và cơ thể.
Ngoài chỉ định truyền thống là nhịp chậm, hiện nay Hiệp hội Bắc Mỹ về điện sinh lý và tạo nhịp (NASPE) còn khuyến cáo chỉ định đặt máy tạo nhịp tim cho một số các bệnh lý khác như bệnh cơ tim giãn, bệnh cơ tim phì đại, nhịp nhanh thất, ngất qua trung gian thần kinh hoặc ngất do tăng nhạy cảm xoang cảnh, dự phòng và kết thúc cơn tim nhanh.
Cấu tạo của máy tạo nhịp tim
Hệ thống máy tạo nhịp tim bao gồm 1 máy tạo nhịp và điện cực dẫn từ máy đến tim. Máy tạo nhịp chỉ lớn hơn chiếc đồng hồ đeo tay một chút. Máy gồm pin và một chương trình máy tính. Chương trình máy tính có chức năng theo dõi nhịp tim bệnh nhân và thông qua hệ thống máy đọc bên ngoài sẽ biết được sự thay đổi tần số tim, điều chỉnh nhịp tim theo ý muốn của bác sĩ và tuổi thọ của pin. Nhiều máy tạo nhịp ngày nay có bộ phận giúp quả tim đáp ứng sinh lý với sự gắng sức, làm tần số tim tăng lên tạm thời khi gắng sức. Máy tạo nhịp 1 buồng chỉ có 1 điện cực nối với tâm nhĩ phải hoặc tâm thất phải của tim, máy tạo nhịp 2 buồng có 2 điện cực nối với cả 2 tâm nhĩ phải và thất phải, máy tạo nhịp 3 buồng có 3 điện cực (1 nối tâm nhĩ phải, 1 nối tâm thất phải và 1 vào xoang vành). Các bác sĩ tim mạch sẽ khuyên bạn nên đặt loại máy nào tùy theo bệnh lý của mình.
Máy tạo nhịp sẽ được đặt ở dưới da. Phẫu thuật để đặt chỉ cần gây tê tại chỗ. Máy nối với một dây dẫn và đặt vào tim dưới màn hình X-quang. Phẫu thuật thường chỉ tiến hành trong thời gian từ 1-2 giờ. Những tai biến của phẫu thuật rất nhỏ. Thường bệnh nhân chỉ bị một vết bầm ở vùng đặt máy và sẽ hết sau một vài tuần. Một số bệnh nhân khó nâng tay và cầm vật nặng trong một vài tuần, nhưng phần lớn sau đó có thể vận động bình thường trở lại.
Những điều cần lưu ý sau khi đặt máy tạo nhịp tim
Cứ cách 3-6 tháng, nên đến bệnh viện để bác sĩ đã đặt máy tạo nhịp khám cho bạn. Bác sĩ sẽ dùng máy tính để kiểm tra xem máy làm việc như thế nào và thời gian pin của máy còn bao nhiêu? Trung bình tuổi thọ của một máy tạo nhịp thường kéo dài khoảng 8 năm.
Sau đặt máy tạo nhịp, bác sĩ sẽ đưa cho bạn một tờ giấy nhận dạng. Rất nhiều bệnh nhân thường để mất giấy nhận dạng này. Bạn nên giữ và cất kỹ nó bởi mỗi lần tái khám bác sĩ sẽ yêu cầu đưa lại, cũng như phải trình cho an ninh sân bay mỗi khi đi máy bay.
Phần lớn bệnh nhân đặt máy tạo nhịp không có bất cứ thay đổi nào trong cuộc sống. Tuy nhiên, nên tránh một số hoạt động như những môn thể thao đối kháng vì có thể làm hỏng máy tạo nhịp. Không nên ở gần những dụng cụ hàn điện, máy quét cộng hưởng từ và dòng điện có điện thế cao.
Một số câu hỏi thường gặp ở bệnh nhân đặt máy tạo nhịp
* Sau khi đặt máy tạo nhịp tim, có phải hạn chế các hoạt động? Sau khi đặt máy, không cần phải hạn chế bất cứ hoạt động nào. Nếu phải hạn chế là do bệnh tật của bạn chứ không phải do việc cấy máy tạo nhịp. Một số bệnh nhân vẫn chạy và tập thể dục buổi sáng, chơi một số môn thể thao như cầu lông, tennis...
* Ðã đặt máy tạo nhịp thì có cần dùng thuốc tim mạch nữa không? Máy tạo nhịp không thể thay thế cho những thuốc điều trị như thuốc điều trị tăng huyết áp, đau ngực, rối loạn nhịp...
* Có phải đã đặt máy thì không thể bị nhồi máu cơ tim? Những bệnh nhân đã đặt máy tạo nhịp vẫn bị nhồi máu cơ tim, không khác gì người bình thường.
* "Có phải người đặt máy tạo nhịp thì không được đi du lịch bằng máy bay?" Người đặt máy tạo nhịp vẫn có thể đi máy bay bình thường. Nhưng khi qua cửa an ninh sân bay, phải đưa giấy nhận dạng đã đặt máy tạo nhịp cho nhân viên an ninh.
* Một số lưu ý khác: Không nên để máy điện thoại di động vào túi áo gần sát máy tạo nhịp. Các hoạt động của bạn nên có sự tham khảo từ bác sĩ điều trị.
src="images/