CƠN ĐAU THẰT NGỰC
PTS. LÊ VĂN THẠCH
Bệnh viện Hữu Nghị
Đau ngực là một vấn đề thường gặp và trong nhiều trường hợp không có nguồn gốc tại tim. Tuy nhiên cần phải quan tâm đối với một số bệnh nhân vì đau ngực có thể đe dọa tính mạng họ rõ rệt do có bệnh lý ở động mạch nuôi cơ tim (động mạch vành).
Nguyên nhân cơn đau thắt ngực có nguồn gốc tại tim là do tình trạng xơ vữa mỡ các động mạch chính nuôi cơ tim. Sự hẹp dần lòng mạch máu ảnh hưởng đến lưu lượng máu mạch vành, đặc biệt khi nhu cầu tăng lên do gắng sức, cơ tim thiếu nuôi dưỡng, gây tích tụ các sản phẩm chuyển hóa như axit lactic và các gốc tự do superoxide và gây đau ngực.
Những người hay bị đau thắt ngực thường là nam giới, tuổi trung niên, béo bệu và ít hoạt động thể lực, hút thuốc lá cùng với tiền sử gia đình có người bị đau thắt ngực, huyết áp cao, mỡ máu tăng, có tiểu đường. Dĩ nhiên các yếu tố nguy cơ trên cũng ảnh hưởng đến các bệnh nhân nữ.
Khi phân tích triệu chứng đau cần phải xem xét cẩn thận tính chất và cường độ đau, vị trí và hướng lan, các triệu chứng kết hợp, các yếu tố thúc đẩy và các yếu tố làm dịu cơn đau, hiệu quả của thuốc Nitrates.
Vị trí đau ở vùng trước tim, sau xương ức, có thể lan đến vùng hàm dưới, mặt trong cánh tay trái, qua hai vai, vùng lưng phía sau. Đau có thể dữ dội như dao đâm, cảm giác nghẹt thở, đôi khi chỉ là sự khó chịu lan tỏa mơ hồ trong lồng ngực. Đau thắt ngực thường kém theo khó thở, mệt mỏi, lo âu.
Đau thắt ngực điển hình thường do gắng sức, có thể gia tăng sau ăn, do lạnh hoặc sang chấn về tinh thần. Bất kể tính chất và vị trí đau, sự kết hợp hằng định giữa sự xuất hiện đau khi gắng sức và giảm đau khi nghỉ ngơi là yếu tố rất gợi ý cho chẩn đoán, vì điều này không xảy ra ở bất kỳ các nguyên nhân nào khác gây đau ngực. Ngoài ra sự giảm đau nhanh chóng (sau 2-3 phút) khi ngậm Nitrate dưới lưỡi rất có giá trị chẩn đoán cơn đau thắt ngực.
Cần phải phân biệt cơn đau thắt ngực với đau cơ xương ở vùng ngực trái, cánh tay trái. Lưng và bả vai trái. Đau cơ xương có khuynh hướng khu trú hơn là lan tỏa. Đau thường xảy ra khi nghỉ và có thể giảm bớt khi gắng sức. Đau rễ thần kinh như trong viêm đốt sống cổ, ở mặt ngoài vai và cánh tay và do cữ động của cột sống gây ra hơn là do gắng sức.
Như vậy, khi có cơn đau ngực phải đến thầy thuốc chuyên khoa tim mạch khám. Thông thường bệnh nhân sẽ được chỉ định làm điện tâm đồ lúc nghỉ. Nếu kết quả bình thường và chưa loại trừ được nguyên nhân đau ngực do thiếu máu cục bộ cơ tim thì phải tiến hành các nghiệm pháp gắng sức, test dược học làm tim đập nhanh và được theo dõi liên tục. Những nghiệm pháp này làm tăng nhu cầu oxy của cơ tim, nếu hệ thống mạch máu nuôi cơ tim không đáp ứng được nhu cầu đó thì có những biến đổi bất thường trên điện tâm đồ mà lúc nghỉ không thể phát hiện được.
Ngoài ra có thể truyền Thallium 201 hoặc Technetium 99m vào tĩnh mạch khi gắng sức tối đa. Các chất này được phân bố theo dòng máu đến cơ tim. Hình ảnh chụp cắt lớp những vùng bắt xạ kém khi gắng sức tối đa sau khi truyền các chất phóng xạ sẽ biểu thị các vùng thiếu máu cục bộ. Lập lại hình ảnh chụp cắt lớp sau vài giờ cũng được thực hiện để chứng minh sự tưới máu mạng các chất phóng xạ đến những vùng bị thiếu máu cục bộ trước đó. Nhờ đó mà chẩn đoán chắc chắn được những trường hợp thiếu máu cục bộ có hồi phục. Nếu vùng nào vẫn không bắt xạ, đó là có sự khiếm khuyết cố định sự tươi máu.
Hiện nay người ta đã tiến hành chụp X quang mạch vành để xác định vị trí tổn thương, mức độ hẹp của động mạch vành để có thể làm thủ thuật tạo hình mạch vành bằng bóng hoặc phẫu thuật cầu nối.
Như vậy đau ngực là một triệu chứng cần được chú ý, phải khám xét đầy đủ tìm ra nguyên nhân đau ngực, để có phương thức điều trị hợp lý, đúng hướng, tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.