Bịt lỗ thông tim không cần phẫu thuật hở
Lỗ thông ở vách ngăn khiến tim phải làm việc nhiều hơn bình thường. |
Thay vì phải mổ tim hở, lần đầu tiên các trẻ sinh ra với lỗ thông ở vách ngăn tim có thể được chữa khỏi nhờ miếng vá đưa vào cơ thể qua bẹn. Phẫu thuật này nhẹ nhàng hơn nhiều so với phương pháp mổ cổ điển mà hiệu quả lại không thua kém.
Các miếng vá CardioSeal và Amplatzer (do hai công ty riêng biệt của Mỹ sản xuất) vừa được Cơ quan quản lý Thuốc và Thực phẩm (FDA) chấp thuận hôm qua (6/12). Đây được coi là một bước đột phá đối với chuyên ngành tim trẻ em. Thiết bị nói trên sẽ giúp một số trẻ hoàn toàn không phải mổ và một số trẻ khác bị dị tật tim bẩm sinh phức tạp giảm số ca mổ cần thực hiện. Tại Mỹ, mỗi năm có tới 17.000 trẻ ra đời với dị tật ở vách ngăn tim
Thông liên thất và thông liên nhĩ
Tim gồm 4 buồng: 2 tâm nhĩ (phía trên) và 2 tâm thất (phía dưới). Các buồng tim ở hai nửa trái và phải phân cách nhau bởi vách ngăn tim. Nửa trái của tim chứa máu giàu ôxy (máu đỏ), còn nửa phải đựng máu nghèo ôxy (máu đen). Ở trẻ bị dị tật thông tim, máu đỏ ở nửa bên trái hòa lẫn với máu đen ở nửa bên phải và lại đi lên phổi một lần nữa, tạo gánh nặng cho tim.
Người ta phân biệt:
- Lỗ thông liên nhĩ (nằm trên vách ngăn giữa các buồng nhĩ).
- Lỗ thông liên thất (nằm trên vách ngăn giữa các buồng thất).
Thông thường, các lỗ này có thể tự liền lại hoặc không quá lớn để gây nguy hiểm cho trẻ. Nhưng những lỗ lớn, nhất là ở tâm thất, có thể gây nhiều nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng của trẻ.
CardioSeal và Amplatzer
CardioSeal là miếng vá với những chiếc dây móc để gắn với vách ngăn giữa các tâm thất. Trong khi Amplatzer là một tấm lưới dùng để bịt lỗ ở vách tâm nhĩ.
Người ta rạch một lỗ nhỏ ở tĩnh mạch bẹn của đứa trẻ rồi luồn một ống thông nhỏ (catheter) có gắn miếng vá vào, đẩy nó tới tận tim. Sau khi tới nơi, miếng vá sẽ được cố định bởi tổ chức sẹo do tim tạo ra. Quá trình này chỉ hoàn tất sau 6 tháng.
So sánh kết quả sử dụng CardioSeal ở 331 bệnh nhân thông liên thất và phẫu thuật hở ở 154 bệnh nhân thông liên thất cho thấy, hiệu quả của 2 phương pháp này gần như nhau, trong khi tấm vá gây ít hiệu quả phụ và thời gian nằm viện ngắn hơn.
Thử nghiệm dùng Amplatzer trên 74 bệnh nhân có lỗ thông liên nhĩ quá nặng không thể phẫu thuật cho kết quả: 72% trường hợp cải thiện đáng kể và 17% có hiệu quả phụ nguy hiểm.
Tuy nhiên, việc sử dụng miếng vá cũng có một số nhược điểm:
- Bệnh nhân phải được theo dõi bằng X-quang liên tục do nguy cơ miếng vá bị bong trước khi tổ chức sẹo hình thành.
- Có nguy cơ tạo huyết khối, gây đột quỵ.
- Phẫu thuật viên phải có kỹ năng đặc biệt.
Kỹ thuật cũng có thể được áp dụng ở những người lớn có lỗ thông tim nhưng chưa được vá khi bé, hoặc vá rồi nhưng chưa hoàn hảo.
CardioSeale sẽ được đưa ra thị trường trong vài tuần nữa, trong khi Amplatzer sẽ có mặt vào tuần sau. Chi phí cho phẫu thuật loại này là 15.000 USD
Thu Thủy (theo AP)