ĐAU TIM VÀ SUY TIM
BS. DƯƠNG MINH HOÀNG
Đau tim chỉ nói đơn giản có bệnh ở tim nhưng có người lại
hiểu sai bất cứ triệu chứng gì ở ngực đều cho là đau tim cả. Đau lói ngực:
đau tim, làm việc mệt, tim đập nhanh cũng đau tim; buồn rầu, đau ngực, khó
thở cũng đau tim. Bạn nên hiểu tim của bạn không đau đơn giản như vậy đâu,
nhưng một khi nó đau thật sự là mệt cho bạn đấy. Đau lói ngực chưa hẳn bệnh
tim, BS cần khám lâm sàng, chụp phổi, đo điện tim mới xác định đau ấy do
bệnh gì. Có bạn đau ngực viết thư hỏi BS phụ trách có phải bệnh tim không,
BS thú thật là không thể nói chính xác được vì đau ngực do rất nhiều nguyên
nhân: ưu phiền, bệnh phổi, tim... Nhiều lúc khám xong BS thấy tim, phổi hoàn
toàn bình thường, khó giải thích đau ngực này nên phán ngay đau thần kinh
liên sườn, rối loạn thần kinh thực vật...
Thật ra không đơn giản như vậy. Rối loạn thần kinh tim đồng
nghĩa với rối loạn thần kinh thực vật. Bạn nên hiểu một khi bạn ưu phiền, lo
lắng sẽ ảnh hưởng phần nào đến thần kinh giao cảm, thần kinh tim khiến tim
đập nhanh, hồi hộp đau ngực. Dù vậy tim bạn không có bệnh nào cả, mệt này là
do ưu phiền, lo lắng nhiều bệnh tật. Một khi bạn không còn ám ảnh về bệnh
tật nữa, trước sau các triệu chứng kia sẽ biến đi thôi.
Không có một thứ thuốc nào giúp bạn từ một người hay sợ
bệnh tật thành can đảm được. Bạn cần hiểu khó thở kèm theo thở nhanh, bàn
tay quíu lại không phải bệnh tim mà là hạ calci huyết gặp ở các cô còn trẻ,
quá nhiều ưu phiền, thích giận hờn gia đình, bạn bè... Có người còn hiểu sai
khi BS cho các loại thuốc giọt như Coramine, Cortonyl hay ngậm Coranine
glucose cứ tưởng tim có bệnh, thật ra các thuốc ấy trị bệnh đau tim giả phần
lớn do ưu phiền thôi.
Chỉ khi nào BS cho dùng các loại thuốc Digitaline, Digoxine
mới đúng là tim bạn có vấn đề: quả tim bạn đã yếu suy đi rồi. Suy tim là
danh từ y học nói quả tim không còn cung cấp đủ cho nhu cầu cơ thể. Vậy suy
tim do gì gây nên, có những dấu hiệu gì báo hiệu cho chúng ta biết?
Suy tim có suy tim trái, phải và suy tim toàn bộ.
Suy tim trái thường xảy ra ở người thiếu máu, cao huyết áp
lâu ngày, nhồi máu cơ tim, loạn nhịp tim, hở van 2 lá, hở van động mạch chủ,
bệnh Basedow...
Suy tim phải xảy ra sau hẹp van 2 lá, bệnh suyễn lâu năm,
viêm phế quản mãn tính.
Suy tim toàn bộ là giai đoạn cuối của suy tim trái, phải do
không chữa trị hiệu quả, để quá lâu ngày. Bạn cần biết là bệnh thấp khớp cấp
hay gặp ở những người trẻ dưới 20 tuổi, cần tiêm ngừa hàng tháng bằng
Penicilline thải trừ chậm (Extencilline) qua nhiều năm mới tránh được hư hại
các van tim sau này..
Trái lại bệnh viêm đa khớp dạng thấp, bệnh gout không bao
giờ làm hư hại các van tim của bạn. Suy tim có những dấu hiệu đáng lưu ý
như sau: khó thở khi làm nặng, lên lầu và giảm rõ khi nghỉ ngơi. Đôi lúc
ngồi cũng thấy khó thở, khó thở về đêm, cơ thể mệt yếu đuối. Đau ngực hồi
hộp là những triệu chứng phụ, bác sĩ khám tim bạn sẽ nghe được những tiếng
thổi bất thường của hư van, tim đập nhanh đôi lúc trên 120 lần/phút, đập
không đều, có tiếng ngựa phi. Phổi nghe có ran ẩm hai bên. Bụng sờ thấy gan
to, ấn tới đau, thấy khó thở. Thường có phù ấn lõm hai bên chân. Chụp X
quang tim phổi cho thấy tim to sung huyết, đo điện tim thấy tim phải trái to
hoặc toàn bộ, loạn nhịp tim.
Điều trị suy tim: Cần nghỉ ngơi tránh làm nặng, chế
độ ăn kiêng muối, mọi thức ăn mặn. Thuốc bao gồm lợi tiểu, thuốc tăng co bóp
tim như Digoxine, thuốc giãn mạch. Thuốc trợ tim Digoxine phải có BS khám và
theo dõi điện tim, không nên tự mua dùng. Thuốc này có thể gây ngộ độc loạn
nhịp tim nên BS không thể hướng dẫn dùng trên báo được. Viện tim TP HCM hiện
có thay các van hư hại như van 2 lá, van động mạch chủ nhằm ngăn chận suy
tim ngày càng nặng thêm trước khi không còn làm gì được nữa.
Suy tim toàn bộ: giai đoạn cuối không sao chữa hết được,
buộc phải thay tim của người mới chết, chỉ có ở các nước tiên tiến, rất tốn
kém phải chờ đợi lâu vì không có người tương hợp.