NHỮNG QUẢ TIM NHÂN TẠO Ở THIÊN
NIÊN KỶ MỚI
MINH TRÍ
Bệnh tim mạch được xem là bệnh của thời đại khoa học kỹ thuật, nhưng cũng
nhờ sự phát triển của khoa học kỹ thuật mà việc chữa trị bệnh tim mạch đã có
nhiều tiến bộ vượt bậc. Trong những năm gần đây ngành phẫu thuật tim mạch đã
có nhiều phát triển ngoài mong muốn, người ta có thể thay thế một quả tim
tốt cho một người bệnh tim giai đoạn cuối. Theo ước tính của các nhà khoa
học mỗi năm có hơn 105.000 người cần thay tim thì chỉ có 3.000 quả tim được
hiến, những quả tim hiến tặng này chủ yếu từ những nạn nhân bị chết do tai
nạn giao thông. Tuy nhiên nhiều biện pháp hạn chế tai nạn giao thông như:
đội nón bảo hộ, nịt dây an toàn khi ngồi ô tô, phương tiện an toàn... đã làm
giảm đi các quả tim được hiến, các nhà khoa học đã đi sâu vào kỹ thuật sinh
học, mong muốn tạo ra những trái tim nhân tạo cung cấp cho nhu cầu ngày càng
tăng này.
PHẪU THUẬT TIM MẠCH TẠI VIỆT NAM
Năm 1992
với sự giúp đỡ của Giáo sư Alain Carpentier (Pháp), Viện Tim thành phố Hồ
Chí Minh được thành lập và đi vào hoạt động đến nay đã phẫu thuật tim hở cho
hơn 7.000 ca. Phần lớn các trường hợp tim bẩm sinh, bệnh lý van tim được
phẫu thuật đã đem lại cuộc sống lành mạnh cho các bệnh nhân. Hiện Viện đang
chuẩn bị tiến hành phẫu thuật bệnh lý mạch vành. Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã
triển khai mổ tim hở ở phía Nam và ở phía Bắc thì có Viện tim mạch quốc gia.
Trình độ phẫu thuật tim mạch của Việt Nam được các chuyên gia thế giới đánh
giá cao, trong tương lai hứa hẹn nhiều thành công mới trong lĩnh vực này
nhằm giải quyết một loại bệnh lý ngày càng tăng trong một xã hội phát triển.
THAY TIM MỚI CHO NGƯỜI BỆNH TIM GIAI ĐOẠN CUỐI
Ngày 7
tháng 12 năm 1967 đã đi vào lịch sử của ngành phẫu thuật tim mạch khi BS
Christian Bernard tiến hành ghép thành công tim ở người. Sau đó đã nảy sinh
vấn đề thải trừ mô ghép đã kìm hãm sự triển khai kỹ thuật mới này, mãi đến
1980 khi một thuốc ức chế miễn dịch hiệu quả được giới thiệu (cyclosporine)
thì việc ghép tim đã phát triển mạnh mẽ với 2.500 ca thực hiện mỗi năm hiện
nay. Riêng tại Mỹ mỗi năm chỉ thực hiện khoảng 2.000 ca trên tổng số 20.000
người cần được ghép tim do số lượng tim hiến tặng hạn chế nên chỉ định rất
nghiêm ngặt.
Người
được phẫu thuật ghép tim phải hội đủ các tiêu chuẩn sau:
-Bệnh
tim giai đoạn cuối có tiên lượng sống không quá 2 năm
hoặc chất lượng cuộc sống hằng ngày giảm nghiêm trọng dù
điều trị tích cực.
-Trong
tuổi hoạt động xã hội.
-Không
có yếu tố loại trừ ghép tim.
Các
yếu tố loại trừ khi có một trong các điều sau:
-Nhiễm
trùng đang tiến triển.
-Đang
bị nhồi máu phổi.
-Tiểu
đường phụ thuộc insulin có tổn thương cơ quan đích.
-Tăng
áp động mạch phổi không hồi phục.
-Có
kháng thể độc tế bào trong máu.
-Loét
dạ dày - tá tràng đang tiến triển.
-Bệnh
ác tính đang tiến triển.
-Bệnh viêm phế quản mãn và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nặng.
-Nghiện
rượu, ma túy.
-Bệnh
lý toàn thân khác gây cản trở sự phục hồi sau phẫu thuật.
-Bệnh
lý mạch máu não và mạch máu ngoại biên.
Biến
chứng đáng sợ sau phẫu thuật ghép tim là việc thải trừ mảnh ghép xảy ra sớm
2-3 tuần sau, người ta cho bệnh nhân dùng thuốc ức chế miễn dịch liên tục và
mỗi 1 - 2 tuần phải lấy mẫu mô nội tâm mạc xét nghiệm (sinh thiết tim) nhằm
phát hiện sự thải tim ghép. Chi phí cho việc uống thuốc ức chế miễn dịch mỗi
năm từ 5.000 đến 10.000 đô la Mỹ, chi phí hằng năm để theo dõi và điều trị
sau phẫu thuật từ 100.000 đến 150.000 đô la Mỹ tùy thuộc số lần phải nhập
viện và sinh thiết tim, cũng có thể tốn nhiều hơn.
TIM NHÂN TẠO MỘT PHẨN
Chúng ta
biết chi phí cho ghép tim mới rất cao, hơn nữa tìm kiếm quả tim hiến tặng
tương đối khó khăn nên các nhà khoa học đã cố gắng chế tạo những thiết bị
giúp một phần chức năng của tim (chủ yếu là chức năng bơm máu). Vào năm 1972
một nha sĩ ở Washington được mang một trái tim nhân tạo có tên Jarvik-7 giúp
bơm máu từ tim vào hệ tuần hoàn. Người nha sĩ này phải chịu đựng 112 ngày
khốn khổ bởi các biến chứng cho đến khi chết, hậu quả cuối cùng là co giật,
suy thận, suy hô hấp, sa sút trí tuệ, và cuối cùng suy nhiều cơ quan. Sau sự
kiện này báo New York Times đặt cho thiết bị này cái tên "con quỉ của kỹ
thuật y khoa". Nhưng qua năm 2000 này "con quỉ" trỗi dậy với nhiều tính năng
mới, khắc phục những khuyết điểm của các trái tim nhân tạo trước đây.
Jarvik 2000 là một máy bơm mini trợ giúp hoặc thay thế cả chức năng
bơm máu của tâm thất trái tim. Nó là một mô tơ bé xíu gắn vào buồng tâm thất
trái bơm máu từ tâm thất này vào một ống gắn trực tiếp vào động mạch chủ, từ
đó máu giàu oxy đi khắp cơ thể. Tốc độ bơm máu tùy thuộc vào nhu cầu của cơ
thể người bệnh lúc nghỉ ngơi hay hoạt động, năng lượng cung cấp là pin
lithium. Từ tim dây điện nối ra ngoài qua da ở vùng sau đầu (sau vùng tai,
sẽ hạn chế nhiễm trùng) rồi nối xuống hệ thống kiểm soát và pin đeo ở thắt
lưng. Trái tim này rất trơn láng tránh bị hiện tượng đông máu và tránh tích
tụ vi trùng.
Abiomed Artificial Heart là một trái tim nhân tạo khác với một bơm
thủy lực ở trung tâm thiết bị, chúng thay thế hoàn toàn chức năng tim. Thiết
bị này bơm máu từ tâm thất phải vào động mạch phổi lên phổi và từ tâm thất
trái vào động mạch chủ đến các cơ quan trong cơ thể. Năng lượng cung cấp cho
máy từ bên ngoài đeo ở bụng, truyền năng lượng cho thiết bị bên trong dưới
da bụng (không xuyên da nên không gây nhiễm trùng), các dây điện nối từ đây
đến trái tim nhân tạo.
Với
những tiến bộ của kỹ thuật tim mạch, hy vọng trong các năm tới những người
bệnh tim sẽ được hưởng các phương thức điều trị mới này. Bệnh tim giai đoạn
cuối sẽ không còn là nỗi sợ hãi của thầy thuốc và bệnh nhân.