Bệnh lý động mạch ngoại vi cần được chẩn đoán sớm
Căn bệnh này thường gặp ở người trên 70 tuổi (hoặc trên 50 tuổi nhưng có tiền sử tiểu đường, hút thuốc), gây đau chân nghiêm trọng. Nó cũng làm tăng nhiều lần nguy cơ tai biến ở não và ở tim, nhất là nếu bệnh nhân chậm được điều trị.
Bệnh lý động mạch ngoại vi (BLĐMNV) xuất hiện khi những động mạch này bị mỡ đóng mảng, gây tắc nghẽn, không dẫn đủ máu tới chân. Bệnh nhân phải đi cà nhắc vì đau cơ bắp chi dưới. Nhiều khi chứng đau biểu hiện dưới dạng chuột rút; có trường hợp chỉ thấy mỏi hoặc đau nhức, tê dại. Các triệu chứng nói trên hay xuất hiện ở bắp chuối, có thể ở cơ bắp đùi hoặc mông (buttock). Các khớp không có triệu chứng gì.
Để chẩn đoán bệnh, ngoài việc thăm khám lâm sàng, bác sĩ còn đo huyết áp, so sánh huyết áp chi trên với huyết áp chi dưới (mắt cá chân). Khi huyết áp ở mắt cá chân thấp hơn ở cánh tay có nghĩa là động mạch nối tim và chi dưới bị tắc nghẽn.
Người trên 50 tuổi nếu nghi ngờ mình bị BLĐMNV thì nên đề nghị bác sĩ đo huyết áp ở cánh tay và mắt cá chân để xác định; vì việc phát hiện bệnh sớm có ý nghĩa rất quan trọng đối với kết quả điều trị. Các bác sĩ sẽ có biện pháp giúp cải thiện sức khỏe, duy trì sinh hoạt bình thường và các chức năng sinh lý, phòng tránh các cơn đau tim hay đột quỵ để bệnh nhân có chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Để bệnh không tiến triển năng, nếu đang hút thuốc lá, bệnh nhân cần cai ngay. Nếu bị các bệnh tiểu đường, cao huyết áp, cholesterol cao, phải ổn định được đường huyết, huyết áp, cholesterol huyết... bằng biện pháp tiết thực và thuốc men.
BS Nguyễn Lân Đính, Sức Khoẻ & Đời Sống