Phát hiện và xử trí phình tách động mạch chủ
Máy chụp mạch máu có thể chẩn đoán chính xác phình tách động mạch chủ. |
Căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao này đang có xu hướng tăng ở Việt Nam. Phình tách động mạch chủ xuất hiện từ tuổi trung niên ở những người hút thuốc lá, huyết áp hoặc mỡ máu cao và ở những người có thân nhân mắc bệnh này.
Khi động mạch chủ có đường kính lớn hơn 1,5 lần đường bình thường nghĩa là nó đã bị phình. Nếu không được chú ý và điều trị, phình có thể tiến triển thành phình tách, nghĩa là lớp nội mạc và lớp cơ chun (2 lớp trong của động mạch chủ, nằm dưới lớp áo ngoài) bị tách ra. Lúc đó, giữa hai lớp này sẽ có máu đi vào. Thành mạch chủ rất yếu và có thể bị vỡ ra, gây tử vong, hoặc cũng có thể dẫn đến các triệu chứng như thiếu máu, vàng da do vỡ hồng cầu, huyết khối. Vì vậy, điều tối quan trọng là phải phát hiện bệnh sớm.
Phần lớn trường hợp phình tách động mạch chủ hầu như không có triệu chứng. Bệnh nhân chỉ được phát hiện tình cờ qua chụp phim tim phổi. Các triệu chứng có thể gặp là đau ngực, nhồi máu cơ tim hoặc tai biến mạch máu não. Khám lâm sàng hầu như không phát hiện được nhưng siêu âm mạch máu có thể tìm ra. Một số bệnh nhân có phình tách quá lớn, siêu âm cũng khó phát hiện, phải chụp cắt lớp vi tính (CT - scanner).
Phình tách động mạch chủ có tỷ lệ tử vong rất cao (tới 80%). Vì vậy, khi có chẩn đoán xác định thì ngay lập tức phải xem xét việc phẫu thuật, không nên trì hoãn. Các bác sĩ sẽ thay đoạn mạch bị phình tách bằng một mạch nhân tạo. Ca mổ có thể có các biến chứng như chảy máu, nhiễm trùng, tổn thương thận và ruột, một số trường hợp có thể ảnh hưởng đến mạch vành. Tỷ lệ tử vong khi mổ là 2-6%.
Gần đây, một phương pháp điều trị mới đã được áp dụng: đặt giá đỡ (stent) vào đoạn mạch bị phình tách. Giá đỡ này (giá 15.000 USD) được đưa vào qua đường động mạch đùi dưới sự hướng dẫn của máy chụp mạch. So với phẫu thuật, phương pháp này ít gây biến chứng hơn, bệnh nhân ít phải truyền máu và chỉ phải nằm viện trong thời gian ngắn. Hạn chế của nó là nhiều trường hợp không đặt được stent do vị trí tổn thương không thuận lợi, stent có thể tuột ra khỏi vị trí đặt ban đầu, chỉ những trung tâm tim mạch lớn mới làm được.
Để phòng bệnh phình tách động mạch chủ, cần dự chú ý đến chế độ ăn, tập thể dục đều đặn, theo dõi huyết áp và lượng cholesterol máu, bỏ thuốc lá.
TS Phạm Như Hùng, Sức Khỏe & Đời Sống