10 điều hay nhầm lẫn về bệnh tim mạch
Chạy bộ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. |
Đây là loại bệnh mà mọi người thấy “mù mờ” nhất vì có quá nhiều yếu tố nguy cơ, triệu chứng và cách điều trị khác nhau... Bạn có phải là người đã thực sự hiểu rõ về bệnh tim? Hãy liên hệ kiến thức của bạn với những vấn đề thường được đặt ra dưới đây.
1) Để giảm bớt nguy cơ mắc bệnh tim mạch, cần phải giảm toàn bộ số cân thừa của mình?
Sai. Trọng lượng cơ thể nếu vượt mức tiêu chuẩn từ 15 kg trở lên sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Tuy nhiên, chỉ cần giảm từ 3-5 kg, bạn cũng đã có thể cải thiện phần nào hoạt động của tim, nhất là số cân giảm đi ấy nằm ở phần bụng (vì cùng có số cân thừa như nhau nhưng người béo bụng dễ bị bệnh tim hơn so với người béo ở phần hông và đùi). Ngoài ra, khi giảm số mỡ thừa ở phần bụng, khả năng kiểm soát mức cholesterol và đường máu cũng được cải thiện rõ rệt.
Các chuyên gia sức khỏe khuyên những người béo phì không nên giảm nhiều và đột ngột trọng lượng cơ thể mà nên giảm từ từ bằng cách tập luyện thể dục và ăn uống hợp lý.
2) Số phụ nữ chết vì bệnh ung thư vú cao hơn số người chết vì bệnh tim mạch?
Sai. Ở Philippines, tỷ lệ phụ nữ chết vì các bệnh tim mạch cao gấp 3 lần so với số phụ nữ chết vì các loại ung thư. Ở Hong Kong năm 2000 có gần 2.700 phụ nữ bị đột quỵ do bệnh động mạch vành nhưng chỉ có gần 400 người chết vì ung thư vú. Tuy nhiên, bệnh tim thường xảy ra với phụ nữ chậm hơn so với nam giới, trung bình khoảng 7-10 năm sau thời kỳ mãn kinh.
3) Có phải bạn không bao giờ nên ăn trứng nếu thật sự lo lắng về lượng cholesterol?
Sai. Mặc dù mỗi lòng đỏ trứng chứa khoảng 200 mg cholesterol nhưng những người khỏe mạnh vẫn có thể ăn trứng với số lượng vừa phải mà không sợ bị tăng cholesterol. Một nghiên cứu do Đại học Harvard thực hiện trên gần 120.000 người khỏe mạnh trong hơn 10 năm cho thấy, việc ăn đều đặn mỗi ngày 1 quả trứng không hề làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim hay đột quỵ. Tuy nhiên, những người đã có các vấn đề liên quan đến cholesterol thì chỉ nên ăn 2 quả trứng/tuần.
4) Chạy bộ hằng ngày sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch?
Đúng. 20 phút tập luyện mỗi ngày giúp làm giảm 30% nguy cơ tử vong vì tim mạch. Bạn không nhất thiết phải chạy mà chỉ cần đi bộ nhanh cũng rất có hiệu quả. Tập thể dục cũng làm tăng lượng cholesterol tốt DHL trong cơ thể.
5) Nếu bỏ thuốc lá, tim có thể phục hồi tốt hơn?
Đúng. Thuốc lá làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Sau 2-3 năm bỏ thuốc, nguy cơ nhồi máu cơ tim có thể giảm xuống mức ngang bằng với những người chưa từng hút thuốc lá.
6) Chỉ có chất béo no mới gây nguy hiểm cho tim?
Sai. Axít béo không no TFA cũng có thể gây hại cho tim. TFA không chỉ làm tăng lượng cholesterol xấu LDL mà còn làm giảm lượng cholesterol tốt DHL, tức nhân đôi mức độ nguy hiểm đối với cơ thể. Trong khi đó, axít béo no không làm giảm lượng cholesterol tốt. Tuy nhiên, điều khiến TFA trở nên đặc biệt nguy hiểm là nó có mặt trong hầu hết các loại bánh và thức ăn sẵn, trong khi các nhà sản xuất lại không chịu ghi thành phần TFA trên nhãn hiệu sản phẩm. Vì vậy, cách tốt nhất để cân bằng và kiểm soát lượng axít béo không no vào cơ thể là ăn thịt nạc và các thực phẩm ít béo.
7) Ở phụ nữ sau mãn kinh, liệu pháp hoóc môn thay thế sẽ giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tim mạch?
Sai. Vài năm trước đây, các chuyên gia cho rằng việc sử dụng liệu pháp hoóc môn thay thế progestine và oestrogen có thể bảo vệ phụ nữ mãn kinh trước nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Nhưng thực tế đã cho kết quả ngược lại. Năm 2003, Viện Sức khỏe Phụ nữ Mỹ đã tiến hành thử nghiệm liệu pháp này cho gần 17.000 phụ nữ ung thư vú. Sau một thời gian, những bệnh nhân này có thêm biểu hiện mắc bệnh tim mạch và đột quỵ.
8) Một ly rượu vang đỏ mỗi ngày sẽ rất tốt cho tim của bạn?
Đúng. Một lượng vừa phải rượu vang đỏ hoặc đồ uống có cồn khác sẽ rất tốt cho tim; tác động đó vẫn còn ngay cả khi lượng cồn đã được đào thải khỏi cơ thể. Một vài nghiên cứu cho thấy, 3-9 ly vang đỏ mỗi tuần sẽ giúp giảm nguy cơ tử vong vì bệnh động mạch vành. Lợi ích của việc uống rượu điều độ là như nhau ở cả nam lẫn nữ.
9) Stress cũng là một trong những yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch?
Đúng (nhưng không hoàn toàn). Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng trong gần 6.000 đàn ông Scotland từng bị stress, những người vượt qua được stress cũng là những người ít có nguy cơ mắc bệnh tim mạch hơn. Tuy vậy, các chuyên gia vẫn không cho rằng khắc phục stress là yếu tố có thể hoàn toàn giúp con người tránh được bệnh tim mạch. Nó chỉ góp phần làm giảm nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm, trong đó có cả bệnh tim.
10) Bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim?
Đúng. Nguy cơ mắc bệnh động mạch vành và các bệnh về động mạch ở bệnh nhân tiểu đường cao gấp 4 lần so với người bình thường. Không chỉ những người bị nặng mà ngay cả người mới mắc hoặc chỉ có mức đường máu cao cũng bị tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
BS Lê Khắc Trí, Người Lao Động