TÌM HIỂU VỀ MẮT VÀ NGƯỜI CÓ TUỔI
PGS. BS HOÀNG THỊ LŨY
Vấn đề nguyên nhân, cơ chế sinh bệnh còn rất phức tạp, xin đề cập ở một
bài khác. Ở đây, chúng tôi chỉ giới thiệu vài biểu hiện ở mắt, đầu tiên ta
cần chú ý phát hiện sớm như: nhìn thấy hình méo mó (biến dạng hình vật),
hoặc có một ám điểm trung tâm, tức là vẫn nhìn thấy nhưng có một điểm đen ở
chính giữa tầm nhìn, làm vướng mắt khó chịu, là phải đến khám ngay ở bệnh
viện chuyên khoa.
Bệnh khó chữa và có nhiều phương pháp, nhưng ở ta hiện nay đã sử dụng
quang đông laser liệu pháp, có hiệu quả ở giai đoạn đầu của bệnh.
Đối với người nhiều tuổi, bệnh tăng nhãn áp, hay còn gọi là thiên đầu
thống, hay là bệnh cườm nước cũng là mối đe dọa, vì bệnh thường ở cả hai
mắt, và nếu không được chữa trị kịp thời nhất định sẽ dẫn đến mù lòa, không
hồi phục. Cơ chế sinh bệnh khá phức tạp, nhưng ở người lớn tuổi hay bị lên
cơn cấp diễn, do sự quá cảm gây chấn động thần kinh, do sự điều tiết thủy
tinh thể thiếu nhanh nhạy, làm ảnh hưởng đến sự lưu thông thủy dịch ở góc
tiền phòng...
Bệnh có thể điều trị bằng phục dược và phẫu thuật, nếu chữa sớm khi chưa
tổn hại đến thần kinh thị giác, thị lực có khả năng phục hồi.
Ngoài những bệnh tại mắt, người lớn tuổi hay mắc những bệnh toàn thân,
biểu hiện tổn thương ở đáy mắt gây giảm thị lực như bệnh cao huyết áp, tiểu
đường, viêm thận mãn, tắc mạch... Đó là hiện tượng bệnh lý mà phải điều trị
toàn thân, thì mắt cũng ổn định, phục hồi.
3. Biện pháp hạn chế hay dự phòng
Lão hóa là hiện tượng sinh lý của tuổi già, ai cũng phải trải qua, nhưng
ta có thể "chạy xa" nó, nghĩa là kéo dài tuổi thọ, sống vui sống khỏe không
để "tuổi già xồng xộc đến", nếu ta có hiểu biết và dày công rèn luyện, phòng
tránh.
Vệ sinh tuổi già nhằm tạo cho người lớn tuổi một sinh hoạt phù hợp, hy
vọng làm chậm lại quá trình lão hóa, có sức khỏe để chống lại một số bệnh
tật. Trong vệ sinh tuổi già cần đặc biệt chú trọng đến ăn uống hợp lý, dùng
thức ăn giàu vitamin, chia thành nhiều bữa, uống đủ theo nhu cầu.
Đảm bảo giấc ngủ, nếu cần một số biện pháp như tắm nước ấm, đi bộ, tập
thể dục nhẹ nhàng, đặc biệt là tập thở. Vệ sinh tâm thần: rất cần có một
tinh thần sảng khoái, thư thái, điềm tĩnh trước cuộc sống. Đọc sách, làm
việc bằng mắt có điều độ, đủ ánh sáng, khi cảm thấy mỏi mệt phải nghỉ ngơi.
Tập thành thói quen, thỉnh thoảng bịt mắt, thử mắt bên kia, đề phòng những
chứng bệnh gây mù đột ngột một mắt, mà không có những triệu chứng đau nhức
nên dễ phát hiện trễ, không chữa được. Có khi đang dùng kính lão lại bỏ kính
ra mới nhìn rõ được, xâu kim được, phải coi chừng đục thủy tinh thể bắt đầu.
Khi thấy số kính tăng nhanh, nhìn đèn thấy có vùng xanh đỏ cầu vồng, chú ý
theo dõi dấu hiệu của bệnh tăng nhãn áp.
Đối với cơ trạng người lớn tuổi, thuốc men liều dùng cũng phải cẩn thận,
theo chỉ dẫn của thầy thuốc, không nên dùng nhiều thứ cùng lúc, đối với các
loại vitamin A, B, C, E... đều nên dùng, nhưng không phải dùng thường xuyên
liên tục, mà nên dùng các loại thức ăn giàu vitamin là tốt nhất. Tốt hơn hết
là chúng ta tự chú ý theo dõi mắt mình để phát hiện những bất thường đúng
lúc. Hàng quý hay 6 tháng một lần, đến khám mắt ở các cơ sở chuyên khoa, để
được chỉ dẫn những điều cần thiết.
Bảo vệ chăm sóc đôi mắt được trong sáng như sự trong sáng của tâm hồn là
điều cả mọi người và thầy thuốc nhãn khoa đều mong muốn và quan tâm, vì có
ánh sáng là có tất cả, có đôi mắt sáng, con người còn hoài bão, vươn lên,
mặc dù ở lứa tuổi nào.
Vì vậy, tìm hiểu về "Mắt và tuổi già" cũng là bộ phận trong chương trình
nghiên cứu khoa học phục vụ sức khỏe, hạn chế quá trình lão hóa, tăng thêm
tuổi thọ, nhằm phục vụ cho người nhiều tuổi có một cuộc sống vui khỏe, hạnh
phúc.