Chữa bất lực bằng khí công
Đáp ứng nhu cầu phong phú của đời sống con người, cổ nhân đã sáng tạo và vận dụng nhiều bài tập khí công giúp ích cho chuyện ''phòng sự'', nhất là chứng bất lực. Thực tế chứng minh, một bài khí công hợp lý, niềm tin và sự kiên trì luyện tập có thể cải thiện tình hình, thậm chí phục hồi hoàn toàn chức năng sinh lý của nhiều đấng mày râu.
Bài tập khí công chữa bất lực được các tác giả Trung Quốc nghiên cứu ứng dụng trên một nhóm bệnh nhân liệt dương tuổi từ 25 đến 48, người mắc bệnh lâu nhất là 10 năm, ngắn nhất là 1 năm. Sau 6 tháng luyện tập, 58,3% khỏi hoàn toàn, 41,7% cải thiện tình trạng bệnh, không có trường hợp nào thất bại. Người ta cũng nhận thấy, bài tập không chỉ có lợi cho người bị bất lực mà còn có tác dụng điều trị hội chứng suy nhược thần kinh, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khoẻ.
Chuẩn bị
- Giải quyết vệ sinh cá nhân.
- Lựa chọn tư thế phù hợp. Có thể nằm hoặc ngồi trên ghế tựa; tốt nhất là nằm ngửa trên giường, hai chân duỗi thẳng và hơi dạng tự nhiên, hai tay để xuôi theo thân mình hoặc đặt trên đùi, toàn thân ở trạng thái duỗi mềm, tâm thần yên tĩnh, thư giãn trong3-5 phút.
Tiến hành
Lần lượt thực hiện các thao tác theo thứ tự sau:
- Hai mắt khép hờ, tập trung tâm ý vào đan điền (vùng dưới rốn ở sau lưng) rồi từ từ chủ động thở ra bằng các cơ vùng bụng sao cho thành bụng càng ép sát lưng càng tốt. Sau đó chầm chậm hít vào hết cỡ, ngừng thở một lát rồi lại từ từ thở ra theo chu trình ban đầu. Thực hiện 3 chu trình như vậy gọi là ý thủ đan điền.
- Sau thao tác đầu tiên nói trên, thường vùng đan điền có cảm giác nóng lên, lúc này lại tập trung tâm ý hướng từ đan điền thẳng tới mệnh môn (điểm đối diện với rốn ở sau lưng, xác định bằng cách vạch một đường vòng từ rốn vòng ngang ra sau lưng). Thao tác này họi là ý thủ hội âm.
- Sau khi thủ ý hội âm có thể xuất hiện hiện tượng cương cứng lên hoặc có cảm giác muốn xuất tinh, tiếp tục thực hiện thao tác gọi là luyện tinh hoá khí được đặc trưng bằng 4 chữ Hô, Thiếp, Đề, Bế.
Trước tiên, cần ý thủ đan điền rồi hướng tâm ý từ dương vật xuống hội âm, lại từ hội âm hướng xuống xương cùng cụt, đồng thời mím môi nghiến chặt răng, lưỡi áp sát lên hàm trên, duỗi cứng tay chân, nhíu hậu môn, sau đó tiếp tục hướng tâm ý từ xương cùng dọc theo cột sống hướng lên trên, vòng qua đầu tới thượng đan điền (ở giữa 2 mắt), lưu lại đây giây lát rồi cuối cùng trở về đan điền (vùng dưới rốn). Thực hiện 3 chu trình như vậy.
- Cuối cùng là thao tác ''thủ công'', tập trung tâm ý xung quanh đan điền, đầu tiên xoay trong từ trong ra ngoài, từ trái sang phải 36 vòng, sau đó ngược lại từ ngoài vào trong, từ phải sang trái 24 vòng, kết thúc bằng động tác xoa tay và xoa mặt.
Ths. Hoàng Khánh Toàn, Khoa học & Đời sống