Đông y chữa viêm nhiễm ngoài da
Cây kim ngân hoa - 1 vị thuốc tiêu độc. |
Đông y dùng từ "sang dương" để chỉ các chứng bệnh thấp nhiệt, thấp nhiệt độc (nhiễm khuẩn) gây sưng đau, mưng mủ ở da và cơ như ung nhọt, đinh nhọt, lở loét... Có 2 loại sang dương: cấp tính và mạn tính.
Nguyên nhân gây bệnh là độc tà (các loại tụ cầu vàng, liên cầu khuẩn, trực khuẩn lao...); ăn uống không điều độ, phóng dục, lao động quá sức, bệnh tật lâu ngày, chấn thương, trùng thú cắn, nhiễm độc, bỏng...
Bệnh nhân có phản ứng ngoài da như sưng, nóng, đỏ, đau (thấp nhiệt thịnh) hoặc sưng đau (hàn thấp) do khí huyết ngưng trệ, kinh lạc bế tắc. Trường hợp nhẹ có các triệu chứng sốt, khát nước, táo bón, tiểu tiện ít, vàng; nặng hơn thì người bứt rứt, buồn nôn, nôn, nói sảng, hôn mê. Đó là chứng thực nhiệt, thường gặp trong các bệnh: ung, đinh, nhọt.
Còn các chứng hư thường có biểu hiện: người mệt mỏi, sút cân, chán ăn, sốt nhẹ kéo dài, ra mồ hôi trộm, tổn thương chảy mủ khó liền miệng. Bệnh kéo dài dẫn tới tinh khí tạng phủ bị tổn thương, âm hư lâu ngày làm chính khí hư suy...
Sau đây là một số bài thuốc thường dùng tùy theo từng thể bệnh:
Nhiệt độc thịnh: Là bệnh đang ở sơ kỳ và trung kỳ. Nhọt sưng đau to dần, đau nóng nhiều, bệnh nhân sốt cao khát nước, bứt rứt, ăn kém, tiểu tiện vàng sẻn, táo bón. Chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng.
Phục linh, ngưu tất mỗi thứ 16 g, kim ngân hoa, xa tiền tử, tử hoa địa linh, hoàng cầm, hoàng bá, chi tử mỗi thứ 12 g, hoàng liên 8 g; sắc với 2 lít nước lấy 200 ml. Sắc uống ngày 1 thang, chia làm 3 lần.
Chính khí hư: Thường gặp vào thời kỳ vỡ mủ hoặc bệnh tái phát nhiều lần, nhọt hết, sưng đau giảm nhưng nước mủ chảy rỉ rả, miệng nhọt đỏ nhạt (tổ chức hạt). Bệnh nhân vẫn còn sốt nhẹ, chán ăn, tinh thần mệt mỏi, lưỡi nhợt ít rêu.
Hoàng kỳ, kim ngân hoa, đương quy, hoàng cầm, tử hoa địa linh mỗi thứ 12 g, sinh địa 16 g, thái tử sâm 10 g, cam thảo 8 g. Các vị trên sắc với 2 lít nước lấy 200 ml. Sắc uống ngày 1 thang, chia làm 3 lần.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)