Chữa bệnh bằng bồ kết
Quả bồ kết vị cay mặn, tính ôn, hơi độc, có năng lực thông khiếu, tiêu đờm, sát trùng, dùng chữa trúng gió cấm khẩu, khó tiêu, làm sáng mắt... Có thể chế biến bằng cách bỏ hạt đốt ra than, tán nhỏ làm thành viên hay thuốc bột.
Cây bồ kết cung cấp những vị thuốc như quả chín khô, hạt lấy ở quả chín đã phơi hay sấy khô, gai ở thân cây.
Bồ kết là một cây to cao chừng 6-8 m, thân có gai, lá kép lông chim,
hoa màu trắng mọc thành chùm. Quả có nhiều vào thnág 10-11. Cây mọc
hoang và được trồng tại nhiều tỉnh miền Bắc. Gai bồ kết có thể thu
hái quanh năm, nhưng tốt nhất là từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau, hái
về phơi khô (hoặc nhân lúc gai còn đang tươi, thái mỏng rồi mới phơi
hay sấy khô).
Quả bồ kết được dùng trong Đông y để chữa
nhiều bệnh khác nhau.
Liều dùng hằng ngày 0,5 đến 1 g dưới dạng
thuốc bột, hoặc đốt ra than mà dùng, cũng có thể sắc uống. Hạt bồ
kết vị cay, tính ôn, không độc, có tác dụng thông đại tiện, chữa mụn
nhọt, dùng với liều 5-10g dưới dạng thuốc sắc.
Một số bài thuốc:
- Chữa ho: Bồ kết, quế chi, gừng tươi mỗi thứ 1 g; đại táo (táo đen) 4 g, cam thảo 2 g, nước 600 ml; sắc còn 200 ml, chia 3 lần uống trong ngày.
- Nhức răng, sâu răng: Quả bồ kết tán nhỏ, đắp vào chân răng, hễ chảy nước dãi ra thì nhổ đi.
- Trẻ chốc đầu, rụng tóc: Bồ kết đốt ra than, tán nhỏ, rửa sạch vết chốc rồi đắp than bồ kết lên.
- Đi lỵ lâu ngày: Hạt bồ kết sao vàng, tán nhỏ, dùng hồ nếp viên bằng hạt ngô. Ngày dùng 10-20 viên, dùng nước chè đặc mà chiêu thuốc (nên uống vào buổi sáng sớm để khỏi mất ngủ).
- Sản phụ sưng vú: Gai bồ kết thiêu tồn tính 40 g, bạng phấn 4 g. Hai vị tán nhỏ, trộn đều, mỗi lần uống 4 g bột này.
GS Đỗ Tất Lợi, Sức Khỏe & Đời Sống