Đông y chữa đau dạ dày - tá tràng
Căn bệnh này trong Đông y có tên là vị quản thống, biểu hiện là đau vùng thượng vị, thường phát ra ở tỳ, vị. Bệnh thường hay chuyển thành mạn tính và dễ tái phát.
Dưới đây là những bài thuốc chữa viêm loét dạ dày tá tràng theo từng thể bệnh:
Thể can khí phạm vị: Đau vùng thượng vị lan tới hai mạng sườn, ậm ạch khó chịu, miệng đắng, hay cáu gắt, mặt đỏ, ợ hơi hoặc nôn chua, rêu lưỡi vàng. Nếu nặng thì đau dữ dội từng cơn, nôn mửa, miệng nhạt.
- Diên hồ sách, trần bì, cam thảo mỗi thứ 12 g, ô dược, hương phụ mỗi thứ 20 g, sa nhân 8 g. Diên hồ sách đập dập, các vị trên sắc với 1.500 ml nước, lọc bỏ bã lấy 150 ml. Chia đều 4 phần, ngày uống 3 lần, tối uống 1 lần. Thích hợp với các trường hợp khí trệ.
- Thược dược, đan bì, chi tử mỗi thứ 20 g, thạch bì 8 g, trần bì 10 g, trạch tả 16 g, bối mẫu 12 g. Thược dược tẩm dấm thanh để sao. Các vị trên sắc với 1.700 ml nước, lọc bỏ bã lấy 250 ml. Uống khi thuốc đã nguội, chia đều 5 phần, ngày uống 4 lần, tối uống 1 lần. Thích hợp cho trường hợp hỏa uất.
- Bồ hoàng, ngũ linh chi mỗi thứ 48 g, tán bột mịn, uống mỗi lần 15 g, ngày uống 4 lần. Dùng cho trường hợp huyết ứ.
Thể tỳ vị hư hàn: Đau vùng thượng vị liên miên, mệt mỏi, đầy bụng, nôn mửa nước trong, chân tay lạnh, phân nát, rêu lưỡi trắng, chất lưỡi bệu nhợt.
Nhân
sâm 15 g, can khương 30 g, thục tiêu 10 g, di đường 100 g.
Ba vị
trên sắc với 1.200 ml nước, lọc bỏ bã lấy 150 ml đun sôi, hòa với di
đường quấy tan đều. Uống ấm, chia đều 4 phần, ngày uống 3 lần, tối 1
lần.
Thể thương thực: Đau vùng thượng vị sau ăn hoặc uống, đau dữ dội hoặc âm ỉ ngày một tăng dần. Người mệt mỏi có thể kèm theo tiêu chảy.
Mạch nha, thần khúc mỗi thứ 20 g, sơn tra 16 g, phục linh 18 g, trần bì, liên kiều mỗi thứ 8 g, la bạc tử 10 g. Tất cả giã dập sắc với 1.500 ml nước, lọc bỏ bã lấy 250 ml. Uống ấm, chia đều 4 phần, ngày uống 3 lần, tối 1 lần.
BS Trần Văn Bản, Sức Khỏe & Đời Sống