Kinh nghiệm điều trị bệnh giời leo bằng Ðông y
Tác giả : BS. ÐỖ HỮU ÐỊNH
Bệnh giời leo (Zona) rất thường gặp trong nhân dân. Ở những vùng xa xôi hẻo lánh, người dân thường tự chữa bằng khoán mực tàu, vò lá mướp hoặc nhai sống đậu xanh đắp lên chỗ đau, tuy tạo sự dễ chịu về mặt tâm lý nhưng bệnh vẫn tiến triển. Còn theo y học hiện đại, bệnh giời leo do siêu vi trùng ái lực thần kinh gây ra, thường gặp ở người cơ thể yếu, bị suy giảm miễn dịch.
Bệnh hay phát về mùa mưa, lạnh và ẩm thấp hoặc về mùa xuân, nhiều gió và ôn táo, lúc mà nhiều người cũng dễ mắc thủy đậu, sởi, quai bị v.v... Như vậy giời leo cũng là một loại bệnh có tính chất thời khí dịch lệ.
ÐẶC ÐIỂM BỆNH LÝ
- Sốt nhẹ 3705-380 C
- Ðau mỏi toàn thân.
- Xuất hiện một mảng da bị sưng xung huyết, nóng, đỏ, đau, trên đó mọc nhiều nốt phỏng nước, mới nhú lên có nước bóng láng và màu đục. Lúc đầu mảng giời leo chỉ bằng 1-2 đồng xu mọc kề nhau rồi lan nhanh ra mọi hướng thành một mảng lớn, nốt giời mọc thưa thớt rồi dày đặc kín mặt da. Nếu giời leo phát ra ở ngực hay bụng, nó sẽ lan nhanh qua ngực tới kinh nhâm rồi dừng ở đó, hướng kia lan nhanh ra hông sườn tới cột sống và dừng lại ở kinh đốc, tạo thành một mảng bệnh lý tổn thương da rộng lớn, kéo dài từ giữa ngực qua hông tới cột sống.
- Ðau, buốt, nóng, rát như bị bỏng lửa, kéo dài tới 15-20 ngày rồi bớt, mảng giời leo dịu dần rồi bay hết chỉ còn lại sẹo trên da màu hồng trắng hay vệt thâm. Cơn đau tuy bớt nhưng không khỏi hẳn mà có thể kéo dài tới 6 tháng hoặc cả năm.
- Mảng giời leo có thể phát ra ở bất cứ vị trí nào trong thân thể, nhưng nhiều nhất vẫn là vùng ngực, vai, lưng, bụng, cổ, mặt, hố mắt. Giời leo ở hố mắt gây đau nhiều và khó trị nhất.
- Bệnh giời leo có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào, ngoài 50 đến trên 90 tuổi phần nhiều bệnh nặng hơn, có mụn vỡ nước khoét sâu xuống da, nhưng điều trị vẫn khỏi.
KINH NGHIỆM ÐIỀU TRỊ
Từ năm 1992, thấy nhiều bệnh nhân giời leo không có thuốc đặc trị, có trường hợp nặng phải nằm viện và sử dụng morphine để giảm đau, tôi đã thử áp dụng một số bài thuốc Ðông y theo biện chứng luận trị, nay đã qua 10 năm và điều trị hiệu quả cho hơn 100 bệnh nhân, từ đó đúc rút được kinh nghiệm sau đây, cũng có thể gọi là phác đồ điều trị.
PHƯƠNG PHÁP ÐIỀU TRỊ
1. Bài thuốc thang để sắc uống
Tên bài thuốc: Kinh phòng bại độc thang.
Tên dược liệu và liều dùng mỗi thang thuốc:
- Kinh giới 8g, phòng phong 8g, độc hoạt 8g, khương hoạt 8g, tiền hồ 8g, sài hồ 8g, chỉ xác 8g, cát cánh 8g, bạch phục linh 16g, cam thảo 8g, xuyên khung 8g, bạc hà 8g.
Tất cả 12 vị thuốc hợp thành 1 thang. Mỗi ngày uống 1 thang, mỗi thang sắc 2 nước, nước nhất uống buổi sáng, nước nhì uống buổi chiều.
Bệnh mới phát uống 3 thang thì khỏi.
Bệnh đã 5-7 ngày uống 8-10 thang thì khỏi.
Gia giảm:
+ Nếu cơ thể suy nhược nhiều hoặc bệnh nhân cao tuổi thì gia thêm đảng sâm hay nhân sâm 12g vào thang thuốc trên sắc uống.
+ Nếu mụn giời leo vỡ nước loét sâu dưới da thì gia thêm hoàng kỳ 16g, kim ngân hoa 16g vào thang thuốc sắc uống.
Công dụng bài thuốc:
Công dụng đặc trị bệnh giời leo. Ðiều trị bằng cách uống nước sắc và dùng nước sắc ấy xoa lên chỗ giời leo hàng ngày.
Ngoài ra còn có công dụng chữa trị dị ứng, sưng môi, phù Quinck, ngứa, cảm cúm, ho, nghẹt mũi, đau nhức, lở trong miệng và các loại phát ban, chẩn, thủy đậu.
2. Thuốc bôi, xoa ngoài
- Dầu Jnoca 1 chai 15ml do Viện Y Dược học dân tộc TPHCM bào chế.
Dùng tinh dầu Jnoca (tinh dầu mù u) bôi lên mảng giời leo, bôi từ ngoài vào trong, bôi phủ khắp mảng giời leo, bôi mỗi ngày 3 lần vào sáng, trưa, chiều tối.
Công dụng: Sát trùng, làm nhu da, mát da, dịu hẳn cơn đau buốt, nóng rát, làm ngưng ngay sự tiến triển của bệnh, mảng giời leo giảm và khỏi hẳn.
Bài thuốc trên và tinh dầu mù u có thể mua ở bất cứ hiệu thuốc Ðông y nào. Thuốc không độc, trái lại còn có tác dụng giải độc rất mạnh. Giá thuốc lại rất rẻ.
Bệnh giời leo không nguy hiểm nhưng gây sốt nóng, đau đớn, sưng lở kéo dài nhiều ngày làm mất sức lao động, gây hoang mang cho bệnh nhân và gia đình. Qua nghiên cứu ứng dụng trên 100 bệnh nhân bằng cách sử dụng bài thuốc trên để uống và dùng tinh dầu mù u để bôi đều cho kết quả mỹ mãn. Vì vậy các trạm y tế phường, xã, các khoa Ðông y quận, huyện nên đưa vào ứng dụng điều trị cho bệnh nhân.