Chữa Parkinson bằng... giun
Khoảng 40% gene của loài giun C.elegans được tìm thấy trên cơ thể con người. |
Loại protein giúp kéo dài tuổi thọ của một loài giun có tên là C.elegans có thể nắm giữ chìa khóa điều trị căn bệnh Parkinson và Alzheimer, các nhà khoa học Mỹ tuyên bố.
Protein đó được gọi tắt là SIRT1, có khả năng hạn chế tối đa những tổn thương do bệnh Parkinson và Alzheimer gây ra.
Để tìm hiểu chi tiết, nhóm nghiên cứu đến từ Trường Y Washington đã tập trung vào các sợi trục thần kinh (axon) nối tế bào thần kinh với các tế bào khác trong cơ thể. Ở những bệnh nhân Parkinson và Alzheimer, các axon này có thể đã kích thích quá trình "tự hủy diệt" của tế bào thần kinh. Quá trình này có thể bị protein SIRT1 làm gián đoạn hoặc tê liệt. Người ta đã tìm thấy SIRT1 trong loài giun bé C.elegans và một số loại men với nhiệm vụ kéo dài tuổi thọ.
"Rõ ràng là cái chết của các tế bào thần kinh trong bệnh Parkinson và Alzheimer thường bắt đầu bằng sự suy thoái và biến mất của axon" - giáo sư Jeffrey Milbrandt, trưởng nhóm nghiên cứu nhận định - "Protein SIRT1 có khả năng gây trì hoãn hoặc ngăn cản sự thoái hóa của các axon này". Trong thời gian tới, Milbrandt và cộng sự sẽ là tìm hiểu chính xác cách thức hoạt động của protein SIRT1 đối với các axon.
Mỹ Linh (theo BBC)