Chữa nhọt, đằng đằng, đinh râu
Lá dâu có thể dùng để chữa nhọt. |
Nhọt là tổn thương do viêm nang lông toàn bộ gây ra bởi tụ cầu vàng; nang lông hoại tử tạo thành ngòi. Nhọt ở ống tai ngoài được gọi là đằng đằng; nhọt ở cằm mép được gọi là đinh râu.
Biểu hiện lâm sàng của nhọt là khối viêm đỏ, sưng
tấy, đường kính một vài mm, gồ cao, gây đau; số lượng từ một vài cái đến 5-10
cái.
Nhọt tiến triển qua 3 giai đoạn (8-10 ngày):
- Giai đoạn sưng đỏ, viêm tấy, đau.
- Giai đoạn thành ngòi, hóa mủ.
- Giai đoạn thoát mủ, thoát ngòi, lành sẹo.
Ở người bị suy giảm miễn dịch, mắc bệnh lao, tiểu đường, nhọt thường mọc thành cụm đứng gần nhau, gọi là nhọt bầy.
Cũng có những đặc điểm lâm sàng như nhọt thường nhưng đằng đằng gây đau đớn mạnh, còn đinh râu có thể gây nhiễm khuẩn huyết, rất nguy hiểm.
Về điều trị; trong giai đoạn sưng đỏ, viêm tấy, đau (nhọt còn non), bệnh nhân không nên chích nặn. Nên bôi cồn iod 5% hoặc cồn Ichthyol cho tan nhọt. Uống hoặc tiêm kháng sinh một đợt. Ở giai đoạn hóa mủ, tạo ngòi, cần đợi cho thành ngòi hoàn toàn mới chích nhọt, giúp nhọt mau lành và tránh sẹo xấu. Thay băng hằng ngày và cho uống hoặc tiêm kháng sinh. Với đinh râu, cho kháng sinh liều cao và phối hợp một số loại kháng sinh. Tuyệt đối không chích nặn, chỉ bôi cồn iod 3-5%. Với nhọt bầy, cho dùng kháng sinh từng đợt, kết hợp nâng cao thể trạng, chữa bệnh kết hợp.
Có thể dùng các bài thuốc Nam sau để chữa nhọt:
- Củ ráy tươi 80-100 g, củ nghệ 60 g. Củ ráy và nghệ rửa sạch, gọt vỏ, giã nát, cho dầu vừng vào nấu nhừ, thêm dầu thông và sáp ong, khuấy tan, để nguội, phết lên giấy, dán vào chỗ mụn nhọt.
- Lá mã đề 1 nắm, lá dâu 1 nắm. Hai thứ rửa sạch, giã nát với ít muối, đắp vào chỗ mụn nhọt, ngày 1 lần.
BS Nguyễn Văn Tuấn, Sức Khỏe & Đời Sống