Chữa bệnh bằng cây đậu đũa
Đậu đũa có thể chữa một số bệnh về tiết niệu và sinh dục. |
Những người bị di tinh do thận hư có thể lấy hạt đậu đũa tươi 100 g (nếu khô là 30 g), gạo tẻ 100 g, táo tàu 4-10 trái, nấu thành cháo, trước mỗi bữa cơm ăn một bát.
Sau đây là một số bài thuốc khác từ đậu đũa:
- Chướng bụng, ăn không tiêu: Đậu đũa non cả vỏ 100-150 g, rửa sạch, chần qua nước sôi, thái nhỏ, thêm dầu và gia vị, dùng làm thức ăn cho bữa cơm. Hoặc: Đậu đũa non 15-20 g, rửa kỹ bằng nước sạch, nhai kỹ và nuốt dần, ăn nhiều lần trong ngày.
- Tiểu đường, tiểu tiện liên tục, miệng khát: Đậu đũa tươi cả vỏ 100-150 g (nếu khô là 30-60 g) luộc lên, ăn cái, uống nước, ngày 1 lần. Hoặc: Đậu đũa tươi nhúng qua nước sôi, trộn với gia vị và dầu thơm làm món rau ăn với cơm.
- Tiểu tiện ra máu: Hạt đậu đũa khô nghiền thành bột mịn, ngày uống 3-4 lần, mỗi lần 3 g, chiêu thuốc bằng nước lọc hoặc rượu.
- Bí tiểu, tiểu tiện nhỏ giọt: Lá đậu đũa tươi 100-150 g (nếu khô là 30-50 g) sắc với nước, chia làm nhiều lần uống trong ngày.
- Đau lưng: Vỏ đậu đũa 100-120 g sắc nước, uống trong ngày.
- Di tinh, bạch trọc (từ quy đầu có chất dịch trắng đục nhỏ ra như giọt sữa): Đậu đũa 100 g, rau muống 100 g, nấu với thịt lợn hoặc thịt gà làm thức ăn trong bữa ăn hằng ngày.
- Khí hư, bạch đới: Dùng như trường hợp chữa di tinh, bạch trọc.
- Suy dinh dưỡng, ăn uống không tiêu ở trẻ nhỏ: Rễ đậu đũa 30 g, nghiền thành bột mịn, hấp với trứng gà ăn hằng ngày. Hoặc: Rễ đậu đũa, lá mơ tam thể mỗi thứ một nắm, nấu với thịt cho trẻ ăn hằng ngày.
- Mồ hôi trộm: Hạt đậu đũa 60 g, đường phèn 30 g sắc uống.
- Mụn nhọt: Rễ đậu đũa giã nát hoặc nghiền thành bột mịn, bôi lên chỗ tổn thương. Cũng có thể dùng rễ hoặc thân đậu đũa đốt cháy thành than, nghiền thành bột mịn, trộn với dầu vừng, bôi lên chỗ mụn nhọt, có tác dụng sát trùng, tiêu viêm và kích thích lên da non.
- Rắn độc cắn: Quả đậu đũa tươi giã nát, đắp vào vết thương.
Lương y Huyên Thảo, Nông Nghiệp Việt Nam