Chữa bệnh bằng vông vang
Bông vang còn có tên là bụp vang, bông rừng. |
Theo các sách cổ, vông vang có vị ngọt, lạnh, tính thông hoạt. Bệnh nhân bị mụn nhọt có thể lấy rễ vông vang và rễ gai với liều lượng bằng nhau, rửa sạch, giã nát, đắp lên mụn; tổn thương sẽ chóng mưng mủ.
Cây vông vang thuộc loại cây cỏ, cao 0,8-1m, mọc tự nhiên ở bờ bãi, vùng rừng núi. Thân có lông ráp. Lá mọc so le, 5 thùy, mép khía răng, hai mặt có lông. Hoa màu vàng, quả nang và hạt có mùi xạ. Bộ phận dùng làm thuốc là rễ, lá và hạt. Sau đây là 2 bài thuốc dân gian từ vông vang:
- Chữa đái đục: Rễ vông vang (1 nắm) cạo sạch vỏ ngoài, giã nát, sắc với 400 ml nước còn 100 ml, rồi phơi sương một đêm, uống vào lúc đói (Nam dược thần hiệu).
- Chữa rắn cắn: Lá vông vang 50 g, lá dây bông báo 50 g, hạt hồng bì 20 g. Tất cả dùng tươi, giã nát, lấy nước xoa bóp từ trên xuống đến vết cắn; lấy bã đắp vào vết thương, băng lại. Ngày làm hai lần. Nếu dùng dược liệu khô thì tán các vị, rồi rây thành bột mịn, hòa với nước cho sâm sấp, rồi đắp.
Hoặc lá vông vang và cả cây nọc sởi với lượng bằng nhau, giã nát, thêm nước, gạn uống, bã đắp.
Theo tài liệu nước ngoài, hạt vông vang chứa 13,6% tinh dầu mùi xạ hương nên được dùng trong công nghiệp chế nước hoa. Ngoài ra, hạt giã nhỏ, hòa với sữa, có thể dùng bôi chữa ngứa, ghẻ. Bột hạt vông vang có tác dụng trừ sâu, nhậy cho quần áo len, dạ.
Sức Khỏe & Đời Sống