Chữa bệnh thống kinh bằng Ðông y
Tác giả : BS. QUÁCH TUẤN VINH
Thống kinh hay còn gọi kinh nguyệt đau là một bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra. Ðau bụng dưới trước và trong suốt mỗi kỳ hành kinh là dấu hiệu chủ yếu của bệnh. Ở những em gái mới đến tuổi dậy thì, đau bụng dưới mang tính chất chu kỳ nhưng chưa thấy kinh lần nào có thể là do màng trinh không có lỗ thủng để kinh nguyệt chảy ra nên gây đau. Các bệnh viêm phần phụ, tử cung dị dạng hoặc lệch vẹo cũng là những nguyên nhân thường gặp. Phụ nữ có tuổi mắc bệnh này phần lớn lại do khí huyết ứ trệ gây đau. Ðau bụng dưới có thể gặp trước khi hành kinh và kéo dài trong suốt kỳ kinh nguyệt.
Ðông y có nhiều cách chữa thống kinh, xin giới thiệu một số phương pháp để bạn đọc tham khảo và ứng dụng:
CHÂM CỨU, BẤM HUYỆT
Phương huyệt chủ yếu cần chọn là huyệt tam âm giao và huyết hải. Tam âm giao là huyệt giao hội của 3 kinh âm ở chân, có vị trí nằm phía trên và cách đỉnh mắt cá trong ngang một bàn tay. Là huyệt chủ yếu chữa các bệnh thuộc hệ thống sinh dục, tiết niệu. Huyết hải là huyệt thuộc kinh túc thái âm Tỳ, có vị trí cách đỉnh bờ trên xương bánh chè lên trên 1 thốn, ngang ra 2 thốn. Huyệt vị này có tên gọi trên vì được coi là "bể của huyết". Khi châm cứu huyệt này có tác dụng hành khí hoạt huyết, khứ ứ, chỉ thống...
Thủ pháp châm cứu, bấm huyệt: Dùng kim hào châm dài khoảng 3-4cm, châm nghiêng, hướng mũi kim về phía trên, vê kim kích thích mạnh để tạo cảm giác đắc khí. Lưu kim 15 phút, ngày châm 1-2 lần. Khi bấm huyệt, nên dùng đầu ngón tay cái bấm thẳng góc vào huyệt để tạo được lực tác động mạnh. Châm cứu hoặc bấm huyệt cả hai huyệt tam âm giao và huyết hải ở 2 bên chân.
NHĨ CHÂM
Phương huyệt chủ yếu chọn các huyệt thần môn, giao cảm, tử cung, bụng. Thần môn, giao cảm là hai huyệt đặc hiệu có tác dụng giảm đau, điều hòa thần kinh thực vật, chống co thắt. Tử cung, bụng là huyệt có tác dụng chủ quản đối với tử cung và vùng bụng. Khi nhĩ châm, kích thích mạnh vào các huyệt vị, ngày châm 1-2 lần. Có thể gài kim nhĩ hoàn trong 3-5 ngày. Nên nhắc bệnh nhân hàng ngày dùng ngón tay kích thích vào các huyệt vị đã dán kim nhĩ hoàn trên loa tai.
GIÁC HƠI
Cổ nhân thường dùng ống tre để giác. Ngày nay, bạn có thể dùng bầu giác thủy tinh đặc chế hoặc ống giác chân không. Giác chủ yếu ở vùng thắt lưng của bệnh nhân. Ðây là một phương pháp nhằm mục đích làm giảm ứ máu ở vùng chậu hông. Nếu ở gia đình, bạn có thể dùng cốc thủy tinh, chén uống nước để thay ống giác. Khi giác, chỉ cần một nhúm bông cồn nhỏ đốt lửa phía trong ống giác rồi nhanh chóng úp vào vùng định giác. Ngày giác 1 lần, nên giác trước khi hành kinh để chặn cơn đau.
NGÂM CHÂN NƯỚC NÓNG
Ðể nâng cao hiệu quả điều trị, hãy ngâm cả hai bàn chân của bạn trong nước nóng già. Nếu ngâm bằng nước sắc thảo dược như ngải cứu, quế, lá lốt, gừng. thì rất tốt. Ðây là một trong những phương pháp người xưa rất coi trọng, có tác dụng nâng cao sức khỏe, dự phòng và điều trị bệnh tật. Trong bệnh này, ngâm chân nước nóng có tác dụng tăng cường lưu thông máu do tác động của nhiệt độ và dược thảo vào các huyệt vị ở bàn chân. Nếu được, có thể kết hợp xoa sát bàn chân sau khi ngâm chân nước nóng thì rất tốt, giúp mang lại hiệu quả giảm đau nhanh.
MỘT SỐ BÀI THUỐC ÐÔNG Y ÐƠN GIẢN
Bài 1: Ðan sâm 30g, sắc uống hàng ngày. Khi uống có thể hòa thêm chút đường.
Bài 2: Ðan sâm 30g, hành củ 3-5 củ. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần uống.
Bài 3: Ích mẫu thảo 30g, sắc uống ngày 1 thang. Có thể đem ích mẫu sấy khô, tán nhỏ thành bột, sắc uống ngày 9g với rượu. Uống liên tục 3-5 ngày.
Bài 4: Lá ngải cứu tươi sao qua, thêm nước đun sôi trong khoảng 5-10 phút, hòa thêm chút đường đỏ, uống khi thuốc còn nóng.
Bài 5: Gừng tươi 15g, đường đỏ 30g. Gừng thái lát mỏng, đem sắc với nước và đường đỏ. Ngày uống 1 thang, chia 2-3 lần. Bài thuốc này thích dụng với người có tạng hàn.
Tuy nhiên, người bệnh cần đến khám bác sĩ để xác định rõ nguyên nhân gây bệnh và điều trị theo hướng dẫn, vì chỉ khi điều trị đúng nguyên nhân thì mới giải quyết được nguồn gốc gây đau.
Chú thích ảnh: Giác hơi vùng thắt lưng có thể giúp giảm đau trong thống kinh.