Chữa bệnh bằng củ mã thầy
Để chữa viêm niêm mạc miệng ở trẻ em, hãy lấy mã thầy 6 củ sao tồn tính, tán bột, trộn với dầu vừng để bôi. Chứng nứt nẻ đầu vú ở phụ nữ cũng có thể chữa khỏi bằng cách lấy mã thầy 6 củ giã nát, ép lấy nước, trộn với một ít băng phiến rồi bôi lên chỗ nứt.
Củ mã thầy (còn gọi là củ năng) vị ngọt, tính hàn, có công dụng ích khí, an trung, khai vị, tiết thực, được dùng chữa các bệnh do nhiệt, vàng da, tỳ thận hư hàn... Sau đây là một số ứng dụng cụ thể:
- Chữa tiểu ra máu: Mã thầy 150 g, rau câu, râu ngô mỗi thứ 30 g sắc uống.
- Chữa chứng mụn nước: Mã thầy 6 củ rửa sạch, giã nát, lòng trắng trứng 1 quả, 2 thứ trộn đều, bôi lên chỗ tổn thương.
- Chữa ho gà: Mật ong 50 g, màng mề gà 10 g (sao vàng tán bột), tỏi 10 g (ép lấy nước), mã thầy 500 g (ép lấy nước). Cho vào một lượng nước vừa phải, đun sôi, ngày uống 2 lần, mỗi lần 2 thìa con.
- Chữa băng huyết: Mã thầy (loại 1 tuổi) 1 củ đốt tồn tính, tán thành bột, uống với ít rượu nhẹ.
- Chữa trĩ chảy máu: Mã thầy 500 g giã nhỏ, địa du 30 g, đường đỏ 150 g, cho nước vào sắc trong 1 giờ. Ngày uống 2 lần, uống trong 3 ngày.
Món ăn bài thuốc từ củ mã thầy
- Cháo mã thầy củ cải: Củ mã thầy 60 g, củ cải trắng 150 g, gạo 200 g, nấu cháo ăn. Cháo có tác dụng thanh nhiệt, lợi thủy.
- Mã thầy bầu dục: Củ mã thầy 100 g, bầu dục lợn 2 cái (cắt đôi), đường phèn 30 g (đập nát), nước 2 lít. Tất cả làm sạch, đun sôi 25 phút để ăn. Món ăn này có tác dụng bổ phế, thận.
- Mã thầy xào thịt, rau cần: Củ mã thầy 100 g, thịt lợn nạc 300 g, rau cần 200 g, dầu, hành, đường vừa đủ, làm thành món xào để ăn. Món này có tác dụng hạ áp, tiêu thũng, thanh nhiệt.
- Mã thầy vịt nước: Củ mã thầy 100 g, vịt nước 500 g, đường phèn 30 g, nấu cùng để ăn, có tác dụng thanh nhiệt, tiêu thũng.
- Mã thầy cá diếc: Củ mã thầy 60 g, cá diếc 300 g, hành, dấm đường 20 g, nấu lên ăn, có tác dụng thanh nhiệt, tiêu thũng.
BS Phó Thị Thu Hương, SK&ĐS