Chữa tiểu đường bằng dược thảo
Để điều trị hiệu quả chứng tiêu khát, với các triệu chứng chủ yếu như ăn nhiều, uống nhiều, tiểu tiện nhiều (y học hiện đại gọi là đái tháo đường không phụ thuộc insulin- type 2), y học cổ truyền dùng nhiều bài thuốc với các dược thảo dễ kiếm sau đây.
Bột mướp đắng khô giúp bệnh nhân tiều đường hạ đường máu. |
Bạch truật
Bạch truật có tác dụng hạ đường máu trên động vật đã được gây đái tháo đường (ÐTÐ) thực nghiệm. Trong y học cổ truyền, bạch truật được dùng phối hợp với một số dược thảo khác để trị ÐTÐ. Các hoạt chất gây hạ đường máu là các atractan A, B và C.
Bài thuốc: Bạch truật 12g, hoàng kỳ 65g, đảng sâm 25g, hoài sơn 15g, phục linh 12g. Sắc uống ngày 1 thang. Mỗi đợt điều trị 2 tháng.
Cam thảo đất
Hoạt chất amellin trong cam thảo đất có tác dụng làm giảm đường máu và các triệu chứng của bệnh ÐTÐ, sự giảm nồng độ đường trong máu và nước tiểu diễn ra dần dần. Nó làm tăng mức dự trữ kiềm bị hạ thấp ở bệnh nhân ÐTÐ và giảm hàm lượng các chất tạo ceton trong máu.
Câu kỷ
Câu kỷ có tác dụng hạ đường máu trên động vật ÐTÐ và tác dụng ức chế men aldose reductose. Men này gây tích lũy sorbitol trong tế bào, là nguyên nhân quan trọng sinh những biến chứng nghiêm trọng của ÐTÐ như bệnh về võng mạc, thần kinh và thận. Câu kỷ được dùng phối hợp với các vị khác trong y học cổ truyền để làm thuốc chống ÐTÐ.
Bài thuốc: Câu kỷ 12g, thục địa 20g, hoài sơn 20g, thạch hộc 12g, mẫu đơn bì 12g, sơn thù 8g, rễ qua lâu 8g, sa sâm 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
Hành tây
Hành tây có tác dụng dự phòng sự tăng đường máu bởi một số chất vẫn thường gây ÐTÐ trên động vật thí nghiệm. Trên lâm sàng, cho bệnh nhân ÐTÐ uống dịch ép hành tây đã có tác dụng làm giảm đường máu. Hành tây sống cho vào thức ăn hàng ngày của bệnh nhân ÐTÐ không phụ thuộc insulin đã có tác dụng hiệp đồng và làm giảm liều thuốc cần thiết để điều trị bệnh.
Ðể làm giảm đường máu, cho bệnh nhân ÐTÐ uống dịch ép hành tây, mỗi buổi sáng một thìa canh, uống liền trong 1-2 tháng sẽ có hiệu quả.
Mướp đắng
Quả mướp đắng còn xanh có tác dụng hạ đường máu trên động vật đã được gây ÐTÐ thực nghiệm. Khi cho động vật uống hàng ngày trong thời gian dài, nó làm chậm sự phát triển bệnh võng mạc và đục thủy tinh thể của mắt. Mướp đắng có tác dụng chống oxy hóa, loại bỏ những gốc tự do - là một trong những nguyên nhân gây ÐTÐ. Quả mướp đắng có tác dụng làm tăng khả năng dung nạp glucose của bệnh nhân ÐTÐ.
Trên lâm sàng, cho bệnh nhân ÐTÐ type 2 uống đều đặn hàng ngày bột quả mướp đắng đã có tác dụng hạ đường máu, tác dụng này có tính chất tích lũy và tăng dần. Ðường máu hạ xuống gần mức bình thường sau 4-8 tuần điều trị. Sau đó, tác dụng hạ đường máu được duy trì với liều mướp đắng bằng một nửa liều ban đầu.
Hoạt chất chính trong mướp đắng có tác dụng hạ đường máu là charantin, glycosid steroid.
Bài thuốc: Dùng quả mướp đắng đã phát triển to nhưng còn xanh, thái mỏng, phơi nắng cho khô. Khi dùng tán thành bột mịn. Mỗi ngày uống 12-20g, chia làm 2-3 lần, sau bữa ăn, chiêu với nước. Sau khoảng 2 tháng dùng thuốc, khi đường máu hạ xuống gần mức bình thường, giảm liều thuốc xuống một nửa để duy trì.
Nếu có nhu cầu dự trữ mướp đắng khô lâu ngày để dùng dần thì để nơi khô mát, thỉnh thoảng đem phơi hay sấy khô để tránh mốc mọt.
Nhân sâm
Nhân sâm có tác dụng hạ đường máu trên động vật đã được gây ÐTÐ thực nghiệm. Trong thử nghiệm lâm sàng trên bệnh nhân ÐTÐ, nhân sâm có tác dụng hiệp đồng với thuốc hóa dược. Nếu dùng nhân sâm phối hợp với thuốc hóa dược thì có thể giảm bớt liều thuốc này, thời gian hạ đường máu được kéo dài hơn. Trong y học cổ truyền, nhân sâm được dùng phối hợp với một số dược thảo khác chữa ÐTÐ.
Bài thuốc: Nhân sâm 15g, thiên môn 30g, sơn thù 25g, câu kỷ 15g, sinh địa 15g. Sắc riêng nhân sâm và cô thành 30ml cao, sắc chung 4 dược liệu còn lại và cô thành 170ml cao lỏng, trộn lẫn hai cao này. Mỗi lần uống 20ml, ngày dùng 2-3 lần trước bữa ăn.
Sinh địa
Sinh địa có tác dụng hạ đường máu trên động vật ÐTÐ. Hoạt chất hạ đường máu là các glycosid iridoid A, B, C và D. Sinh địa cũng có tác dụng làm chậm sự phát triển biến chứng đục thể thủy tinh ở mắt và giảm các triệu chứng bệnh thần kinh ngoại biên ở bệnh nhân ÐTÐ. Sinh địa được dùng phối hợp với các vị khác trong y học cổ truyền để trị ÐTÐ.
Bài thuốc:
- Sinh địa 800g, hoàng liên 600g. Giã sinh địa vắt lấy nước, tẩm vào hoàng liên, phơi khô rồi lại tẩm, làm như vậy cho đến hết nước sinh địa. Tán nhỏ hoàng liên, làm thành viên. Mỗi lần uống 10g, ngày dùng 2-3 lần.
- Sinh địa, hoài sơn, phục linh, mỗi vị 15g; Sơn thù, trạch tả, ngưu tất, mỗi vị 10g; Hạt mã đề, mẫu đơn bì, mỗi vị 6g. Sắc uống ngày một thang.
Thiên môn
Trong y học cổ truyền, thiên môn được dùng phối hợp với các dược thảo khác trị ÐTÐ.
Bài thuốc: Thiên môn 12g, thạch cao 20g; Sa sâm, mạch môn, hoài sơn, bạch biển đậu, ý dĩ, mỗi vị 12g; Tâm sen 8g. Sắc uống ngày 1 thang