ĐIỀU TRỊ CHÀM BẰNG Y HỌC CỔ TRUYỀN
Tác giả : PGS. TS. NGUYỄN THỊ BAY (Bộ môn Bệnh học - Khoa Y học cổ truyền Đại học Y DưO
Chàm là loại bệnh tổn thương ngoài da có căn nguyên phức tạp, bao gồm 2 yếu tố: một là do cơ địa dị ứng sẵn có trong cơ thể và hai là tác nhân bên trong hoặc bên ngoài tác động vào yếu tố cơ địa gây nên bệnh.
Xin giới thiệu cùng bạn đọc một số bài thuốc y học cổ truyền đã được sử dụng điều trị căn bệnh này khá hiệu quả.
Tổn thương cơ bản trên da của chàm là mụn nước và rất ngứa.
Bệnh thường tiến triển qua 5 giai đoạn (nếu không có biến chứng) với các biểu hiện sau:
1. Đỏ da.
2. Nhiều mụn nước lấm tấm.
3. Chảy nước vàng do mụn nước vỡ ra để lại lỗ nhỏ lõm xuống.
4. Huyết tương rỉ ra đóng thành vảy màu vàng rồi thâm dần, vài ngày sau bong vảy.
5. Vảy bong để lại lớp da non màu đỏ, không để lại sẹo.
Nếu có biến chứng, thường gặp là:
1. Bội nhiễm: Nhiễm thêm các vi khuẩn khác làm cho tổn thương lầy thêm do tăng tiết, vùng tổn thương sưng đỏ, tổng trạng sốt.
2. Dày da vùng tổn thương, sừng hóa và da trên tổn thương khô nhám.
PHÂN LOẠI CHÀM
1. Phân loại theo hình thể
a. Chàm dạng nấm: Thường khu trú ở chân, màu đỏ sẫm, trên có mụn nước lấm tấm.
b. Chàm dạng viêm quầng: Thương tổn khu trú ở mặt, mí mắt.
c. Chàm tổ đỉa: Thương tổn khu trú ở rìa các ngón chân, có thể ở cả lòng bàn tay và chân, mụn nước từ sâu đội lên da, rất ngứa.
d. Chàm sừng: Thương tổn khu trú ở lòng bàn tay, bàn chân, vảy dày trắng nứt nẻ, sưng đau, dưới vảy có mụn nước.
e. Chàm thể đồng xu: Hình tròn hoặc bầu dục, màu đỏ hồng, trên có mụn nước, vảy tiết, khỏi dần từ chính giữa, khu trú ở tay chân.
2. Phân loại theo nguyên nhân
a. Chàm tiếp xúc: Do tiếp xúc với một số chất khác trên cơ địa dị ứng, các tác nhân gây dị ứng như: sơn, savon, nilon, kem, phấn, giày dép cao su, dây đồng hồ đeo tay, một số cây, cỏ, lá, hoa...
b. Chàm vi khuẩn: Viêm nhiễm do vi khuẩn ở đâu đó trên cơ thể như viêm răng, hàm, mặt, tai mũi họng, viêm đường tiêu hóa hoặc một số cơ quan khác. Tổn thương gồm nhiều mụn nước, dễ lan tràn đến nơi khác, sưng đỏ, chảy nước, ngứa dữ dội.
c. Chàm trẻ em: Do cơ địa, nội tiết, rối loạn chuyển hóa nước, một số bệnh nhiễm khuẩn, dị ứng một số chất, thần kinh...
Hay gặp ở trẻ em trên 2 tháng tuổi và thường tới 3 tuổi sẽ tự khỏi; trường hợp cá biệt sẽ bị dai dẳng tới lớn. Thương tổn cơ bản là những mụn nước khu trú hai bên má và trán (trừ mũi và miệng) tạo thành hình móng ngựa, giới hạn rõ rệt, đôi khi lan lên đầu, ngứa dữ dội. Bệnh tiến triển qua 5 giai đoạn như chàm nói chung, có lúc giảm lúc tăng, đôi khi kèm theo sốt cao và thường dễ bị viêm tai giữa.
d. Chàm nội tạng: Thương tổn bị biến đổi, mụn nước chuyển thành sẩn lẫn mụn nước, rải rác khắp người.
e. Chàm khô: Căn nguyên do cả bên ngoài lẫn bên trong (do hóa chất, do sinh vật, nội tạng...).
ĐIỀU TRỊ BẰNG Y HỌC CỔ TRUYỀN
Phân loại theo các thể bệnh và điều trị như sau:
1. Thể cấp tính
Lúc đầu da hơi đỏ và ngứa, sau một thời gian ngắn, da sẽ nổi cục, có nhiều mụn nước, rất ngứa, loét, chảy nước vàng.
a. Thuốc uống trong:
- Thổ phục linh 16g, Nhân trần 20g
- Khổ sâm 12g, Kim ngân 16g
- Hoàng bá 12g, Ké đầu ngựa 12g
- Hạ khô thảo 12g, Hoạt thạch 8g.
Nếu mụn nước lan ra toàn thân, ngứa nhưng chảy nước ít. Dùng bài thuốc:
- Kinh giới 12g, Sinh địa 16g
- Phòng phong 12g, Thạch cao 20g
- Thuyền thoái 6g, Tri mẫu 8g
- Khổ sâm 12g.
b. Thuốc rửa ngoài:
- Tô mộc 30g, Lá trầu 20g
Đun sôi với 1 lít nước và một ít muối, thấm rửa tổn thương rồi hong cho khô ngay.
- Lá khế 100g, Lá kinh giới 100g.
Đun sôi trong nước rồi tắm.
c. Thuốc bôi:
- Hùng hoàng 5g, Thạch cao 5g
Ngâm với giấm rồi trộn đều, bôi lên chàm.
2. Thể mạn tính
Da dày, thô, khô, ngứa và trên vùng tổn thương có nhiều mụn nước, hay gặp ở cổ chân, cổ tay, khuỷu tay và nhượng chân.
a. Thuốc uống:
- Hoàng bá 12g, Thương truật 8g
- Ké đầu ngựa 12g, Phù bình 12g
- Phòng phong 8g, Bạch tiểu bì 12g
- Hy thiêm thảo 12g.
b. Thuốc rửa:
- Lá khế 100g, Lá kinh giới 100g
Đun sôi, rửa vết chàm loét.
c. Thuốc mỡ:
- Xuyên hoàng liên 4g, Hồng hoa 4g
- Hồng đơn 4g, Chu sa 4g.
Tán thành bột hòa với mỡ trăn, bôi vào tổn thương, sau đó rửa sạch bằng thuốc rửa trên.
3. Châm cứu
Tùy thuộc vào vị trí tổn thương, chọn huyệt tại chỗ và lân cận như:
- Ở tay: châm huyệt Khúc trì, Hợp cốc.
- Ở chân: châm huyệt Tam âm giao, Dương lăng tuyền...
- Toàn thân: châm huyệt Hợp cốc, Túc tam lý, Huyết hải.