CHỨNG MÂT NGỦ VÀ THUỐC TRỊ
Lương y TRẨN KHIẾT
Giấc ngủ ngon bảo đảm sức khỏe, phục hồi năng lượng, ổn định thần kinh, điều hòa các chức năng của phủ tạng.
Sự hoạt động của tế bào thần kinh hằng ngày bị tiêu hao một số năng lượng, cần phải được bù đắp. Do đó sau khi làm việc phải có chế độ nghỉ ngơi nhất định, đó là phù hợp lời Thánh nhân dạy: "Ẫm thực hữu tiết, khởi cư hữu thường..." Ắn uống phải có tiết độ, làm việc nghỉ ngơi phải có chừng mực, đó là phép dưỡng sinh của người xưa.
Mỗi khi mất ngủ, ta phải tìm hiểu nguyên nhân để loại trừ như: Người cao tuổi thường gặp ở bệnh tăng huyết áp, rối loạn tuần hoàn não, xơ vữa động mạch não, rối loạn tiêu hóa, u xơ tiền liệt tuyến, bệnh tim, khớp... Đối với người trẻ tuổi thường gặp ở ăn uống không tiết độ, gây rối loạn tiêu hóa, làm việc quá lao nhọc, chơi bời phí sức...
Đông y còn tìm hiểu thêm: Mất ngủ mà tóc bạc sớm là do phần tiên - thiên (thận) bị suy thoái; mất ngủ mà kém ăn là do phần hậu - thiên (tỳ, vị) bị rối loạn; mất ngủ mà hay lo âu là do tình chí rối loạn (hỷ, nộ, ưu, tư, khủng).
Rối loạn do năm tình chí,
Thần kinh bức bách, huyết khí trệ ngưng.
Vui, buồn, lo, sợ, giận hờn,
Chập chờn giấc ngủ thuốc nào trị an.
Vậy muốn có giấc ngủ tốt hằng ngày, hoặc sau cơn bệnh bị mất ngủ ở trạng thái suy nhược thần kinh... thì nên bảo đảm những điều kiện:
Thức ngủ phải có giờ giấc nhất định, tạo cho cơ thể có một phản xạ tự nhiên cứ đến giờ giấc nhất định có cảm giác muốn buồn ngủ thì phải đi ngủ ngay, không nên vì việc còn đang làm mà chần chừ để qua cơn muốn ngủ, thành thói quen thì sẽ bị mất ngủ.
Tạo thần kinh thư thái trong giấc ngủ (yên tĩnh), tránh tiếng động bên ngoài, mà quan trọng nhất là dẹp được tiếng động bên trong (ý nói khi ngủ mà trạng thái thần kinh vẫn còn hoạt động).
Không nên ăn nhiều, uống nhiều trước khi đi ngủ, bữa ăn tối nên ăn thức ăn đạm bạc dễ tiêu hóa, tránh cà phê, thuốc lá, không nên ăn thức ăn lạ và đồ sống, lạnh dễ gây rối loạn tiêu hóa.
Nên vận động cơ thể, tùy thể lực của mỗi người (theo liệu pháp dưỡng sinh...) có tác dụng điều hòa tăng hiệu lực hoạt động hệ thần kinh.
Không nên lạm dụng các loại thuốc an thần đối với người đang trong trạng thái suy nhược hay sau cơn bệnh vừa khỏi, sức khỏe chưa được phục hồi.
Xin giới thiệu một số bài thuốc tâm đắc trị hội chứng mất ngủ:
- Bài số 1: Dùng cho người cơ thể suy nhược.
Đương qui thân 12g
Hoài sơn (sao gạo hoặc tẩm sữa) 15 g
Bạch thược (sao rượu) 10g
Long nhãn nhục 15g
Thục địa 12g
Mạch môn (bỏ tim trong) 10g
Bắc táo nhân (sao đen) 10g
Ngũ vị tử (sao mật) 5g
Viễn chí (chế cam thảo) 10g
Cách chế dùng: Các vị thuốc này có bán ở các tiệm thuốc Nam, Bắc, khi lấy thuốc phải bảo tiệm thuốc sao chế và cân cho đúng liều lượng.
Tất cả 9 vị thuốc cho vào siêu đất (hay bình điện sắc thuốc)
Nước nhất: 4 chén nước sắc còn 1 chén thuốc.
Nước nhì: 3 chén nước sắc còn nửa chén thuốc.
Hai nước hòa chung, phân ra uống ba lần trong một ngày đêm (mỗi lần uống nửa chén và thuốc phải hâm cho ấm rồi uống).
- Bài số 2: Cho những người cơ thể ở trạng thái tốt mà vẫn bị mất ngủ.
Nhân sâm (hay cát lâm sâm) 12g
Bá tử nhân (sao vàng) 10g
Bạch phục linh 12g
Trần bì (chế gừng) 5g
Viễn chí (chế cam thảo) 10g
Mạch môn (bỏ tim) 10g
Thạch xương bồ 10g
Trúc nhự (sao mật) 5g
Toan táo nhân (sao đen) 10g
Cách chế và uốâng: như trên.
- Bài số 3: "Trà Liên Cúc":
Liên nhục (hạt sen) 300g
Liên tu (nhụy sen) 400g
Cúc hoa 400g
Cách chế: 300g hạt sen ngâm nóng, bóc vỏ ngoài và bỏ tim bên trong, sấy khô sao vàng tán thô như hạt đậu.
400g Cúc hoa (bạch cúc, huỳnh cúc cũng được) phơi khô trong mát (hoặc sấy).
400g Liên tu (nhụy sen) phơi hoặc sấy khô.
Tất cả 3 vị đem sao vàng (bốc mùi thơm), để nguội cho vào lọ đậy kín để dùng như trà uống (muốn thơm nên ướp thêm hoa lài, hoa ngâu).
Loại trà này thường uống giúp cho ăn ngủ tốt.
*
Lời thơ của người bị mất ngủ
Tháng rồi mất ngủ liên miên,
Như điên như dại, sắc hồng còn đâu.
Đêm thâu trằn trọc tại sao?
Phải vì danh lợi, hay lo chuyện đời.
Buồn, lo, giận, ghét làm chi,
Sân si chuốc oán, gây phiền lụy thân.
Ở đời lòng phải vị tha,
Sống theo lẽ Đạo, biết ta biết người.
Sống vui sao chẳng biết cười