Chữa bệnh về máu bằng bài thuốc Tứ vật thang
Vị thuốc thục địa |
Bài thuốc này dành cho người bị huyết hư gây thiếu máu, mắt vàng hoặc bớt đen, hâm hấp sốt, lòng bàn chân nóng, da xanh, gầy yếu; mặt nổi trứng cá, ngứa ngáy. Nó cũng có tác dụng đối với các vấn đề về kinh nguyệt, lao tâm, suy nghĩ hại đến nhan sắc.
Bài Tứ vật thang gồm 4 vị: xuyên khung (8 g) và đương quy (12 g) có tính động là dương; thục địa (12 g) và bạch thược (8 g) có tính tĩnh là âm. Âm - dương phụ trợ, bổ túc cho nhau. Tùy theo bệnh, có thể gia giảm cho thích hợp. Theo Hải Thượng Lãn Ông, nên gia giảm như sau:
- Máu nóng ở gan (mặt nổi mụn): Thêm vị điều cầm (thứ hoàng cầm thật nhỏ) 6 g.
- Người gầy có đờm: Thêm chi tử, tri mẫu, hoàng bá (tất cả đều sao đen) 4 g.
- Người béo có đờm: Thêm nam tinh, bán hạ mỗi thứ 6 g.
- Huyết ứ: Thêm hồng hoa, đào nhân mỗi thứ 4 g.
- Phiền táo khó ngủ, khát nước, phát sốt: Thêm chi tử, hoàng liên mỗi thứ 4 g, tăng vị bạch thược lên, bỏ xuyên khung.
- Kinh nguyệt bế đã lâu: Thêm quế tốt, cam thảo, hoàng kỳ, khương hoạt, hồng hoa, mộc thông mỗi thứ 4 g.
- Kinh nguyệt ra rỉ rả nhiều tháng: Thêm hoàng kỳ 8 g, a giao, tục đoạn, bách diệp đều sao đen mỗi thứ 4 g.
- Trừ huyết cũ, sinh huyết mới: Thêm cam thảo rồi tán nhỏ hoàn viên
với mật mà chiêu bằng giấm thanh.
Cách chế: Xuyên khung,
đương quy, bạch thược, cam thảo phơi khô, tán mịn. Thục địa tẩm
rượu, giã nát, chưng mật ong vừa chín tới. Trộn các vị, viên bằng
ngón cái, ngày dùng 3-4 lần, mỗi lần 2 viên.
Theo kinh nghiệm của nhiều lương y, ngoài làm viên, có thể dùng các vị trên sắc uống. Dùng lâu chân huyết sẽ đầy đủ, da dẻ tươi mát, ngăn ngừa được nhiều bệnh. Nếu có điều kiện, nên kết hợp với một số phương pháp khác để thêm phần hữu hiệu như: bơi lội, tập thể dục.
(Sức Khỏe & Đời Sống)