Thuốc dân gian chữa bệnh lở sơn
Những người tiếp xúc lần đầu tiên với sơn ta hoặc cây sơn rất dễ bị dị ứng lở loét. Với những người cơ địa nhạy cảm, chỉ cần va quệt hoặc nhìn vào thùng sơn ta để hở, ngửi thấy hơi sơn... cũng bị lở.
Nhựa sơn chứa một chất đặc biệt, có tính kích thích mạnh, rất dễ gây
viêm da dị ứng. Chỗ da tiếp xúc với sơn bị sưng đỏ, phỏng mụn nước,
rất ngứa, có người bị sưng húp híp cả mặt, nứt nở, chảy nước. Cho
đến nay, y khoa chưa chưa xác định rõ loại người nào, loại da nào
không chịu được sơn ta, chỉ biết những người có cơ địa dị ứng (hen,
nổi mày đay, chàm, viêm mũi dị ứng,...) rất dễ bị lở sơn. Còn những
người dân địa phương đã tiếp xúc nhiều với sơn ta, những người trồng
sơn... do cơ thể đã quen với sơn nên không bị mắc chứng này.
Cách xử trí khi bị lở sơn: Trước hết, phải tránh rửa nước lã, tránh
gãi hoặc chà xát lên các chỗ da bị tổn thương. Dùng các dung dịch
làm dịu da và diệt khuẩn như thuốc tím pha loãng 1/4.000, nước muối
sinh lý, dung dịch 0,9%. Có thể uống các thuốc kháng histamin chống
dị ứng, giảm đau rát, giảm ngứa. Liều lượng và cách sử dụng do bác
sĩ chỉ định.
Trong dân gian có nhiều bài thuốc chữa lở sơn đơn giản và hiệu quả. Bệnh nhân có thể dùng phương thuốc sau đây, kết hợp thuốc uống trong với thuốc rửa ngoài:
Phương thuốc
uống trong: Hoa kim ngân 20 g, cam thảo đất 12 g, sài đất 40 g, thổ
phục linh 20 g, bồ công anh 20 g. Cho các vị vào ấm, đổ 500 ml nước,
sắc còn 200 ml. Người lớn uống cả một lần. Trẻ em tùy theo tuổi chia
làm 2 - 3 lần uống.
Về thuốc rửa ngoài, dùng một trong các
bài sau:
- Lấy 200 g lá khế chua cả cành non và hoa, vò nát, nấu với 4 lít nước, khi nước sôi bỏ vào một ít muối mà xông. Xông xong dùng nước này để tắm, mỗi ngày một lần.
- Lấy 1 kg lá sen khô, sắc lấy nước đặc rửa chỗ lở sơn ngày 2 - 3 lần.
- Thanh đại 25 g, thạch cao sống 50 g, hoạt thạch 15 g, vỏ núc nác 20 g. Đem tất cả tán thành bột mịn, trộn với dầu vừng bôi vào chỗ đau. Trường hợp có nước chảy nhiều, cho thêm bột mai mực.
BS Kim Minh, Sức Khỏe & Đời Sống