4 vị thuốc chữa bệnh phụ nữ
Dùng thân cây và cành của cây ích mẫu để trị chứng đẻ sót rau, chóng mặt sau sinh. |
Đan sâm có tác dụng chữa kinh nguyệt không đều, ích mẫu trị đau bụng và khí hư, đương quy hạn chế đau lưng, nhức mỏi chân tay... Đây là những vị thuốc quý trong điều trị các bệnh phụ nữ.
Đan sâm: còn gọi là huyết sâm, xích sâm, huyết căn. Thuốc dùng cho phụ nữ kinh nguyệt không đều, người chưa chồng da mặt xanh nhợt, ăn uống thất thường, tinh thần suy nhược, thiếu máu, phá hòn khối trong bụng. Đan sâm còn trị sưng đau khớp xương, ung nhọt, mẩn ngứa. Dùng là rễ khô, sắc uống ngày 6-12 g. Lưu ý không dùng khi không ứ huyết.
Đương quy: còn có tên tần quy, tây quy, vân quy, xuyên quy, đương quy. Thuốc chữa huyết hư, đau nhức lưng, chân, tay và lạnh, kinh nguyệt không đều, hành kinh đau bụng, đại tiện táo. Bộ phận dùng gồm rễ khô, tính ấm vị ngọt, cay hơi đắng vào tâm, can, tì. Dùng dạng sắc hay ngâm rượu. Ngày 12-16 g. Không dùng khi tì thấp, đầy chướng, tiêu chảy.
Hoài Sơn - còn gọi là khoai mài, củ mài, sơn dược - chữa khí hư nhiều, cơ thể suy nhược, tiêu hóa kém, tả, lị, ho suyễn, yếu mệt, đái tháo, miệng khát, đái dắt... Dùng củ khô đã chế biến có tính bình, vị ngọt vào tì, vị đi vào kinh phế, thận. Sắc uống ngày 20-30 g, bột 5-10 g/ngày. Không dùng cho người thấp nhiệt, đại tiện táo.
Ích mẫu: còn gọi là chói đèn, sung úy, ích minh. Vị này có tác dụng trị chậm kinh, ít kinh, không đều, đau bụng, khí hư, bạch đới, khó đẻ, thai chết lưu, đẻ sót rau, xây sẩm chóng mặt sau đẻ, chảy máu, ra nhiều máu hôi. Dùng thân, cây, cành có nhiều lá chưa có hoa hoặc hoa mới nở. Vị này tính hơi lạnh, cay đắng vào tâm bào, can. Sắc uống hay dùng cao ngày 10-30 g. Không dùng ích mẫu cho người huyết hư không ứ. Phụ nữ đang mang thai uống quá liều có thể gây tai biến chảy máu nhiều.
Bác sĩ Hoàng Xuân Đại, Đại Đoàn Kết