Chữa bệnh bằng cây dâm bụt
Hoa dâm bụt có thể chữa mụn nhọt. |
Để chữa kinh nguyệt không đều, có thể lấy vỏ rễ dâm bụt phơi khô 30 g thái nhỏ, sắc với 200 ml nước còn 50 ml, uống trong ngày. Nếu bị kinh ra nhiều hoặc rong huyết, dùng rễ dâm bụt và lá huyết dụ (lượng bằng nhau) sắc uống.
Dâm bụt (còn gọi là bông bụt, bụp) được dùng phổ biến trong y học cổ truyền với tên thuốc là mộc cận. Dược liệu này vị ngọt, tính bình, không độc, có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, giải độc, tiêu sưng. Cả lá, vỏ thân, rễ và hoa dâm bụt đều được dùng chữa bệnh.
Sau đây là một số bài thuốc từ dâm bụt:
- Quai bị: Lá dâm bụt 50 g, hành củ 50 g, giã nhỏ, thêm nước, gạn nước uống, lấy bã đắp.
- Chân đau nhức, đôi khi co cứng không đi lại được: Lá dâm bụt, lá si, lá đào, lá mận, lá thài lài tía mỗi thứ 30 phơi khô, thái nhỏ, sao qua, ngâm với ít rượu, dùng xoa bóp hằng ngày.
- Khí hư: Vỏ thân dâm bụt (cạo bỏ vỏ ngoài) 50 g thái nhỏ, sao vàng, sắc uống. Dùng trong 5 ngày.
- Chàm mặt: Vỏ thân dâm bụt 50 g, bồ kết 10 quả (bỏ hạt), gừng tươi 20 g. Tất cả thái nhỏ, sắc lấy nước rồi và cô đặc sền sệt. Để nguội, bôi ngày hai lần.
- Kiết lỵ: Vỏ thân dâm bụt 40 g (cạo vỏ ngoài, chỉ lấy lớp vỏ lụa), lá búp táo ta 40 g, gừng tươi 5 lát. Vỏ thân dâm bụt thái nhỏ, sao vàng, hạ thổ; lá táo sao vàng. Tất cả sắc lấy nước uống.
- Khó ngủ, hồi hộp, nước tiểu đỏ: Hoa dâm bụt phơi khô, hãm uống thay chè.
- Mụn nhọt, nhất là nhọt đang mưng mủ: Hoa dâm bụt, lá trầu không, lá thồm lồm mỗi thứ 50 g, giã nát, đắp lên chỗ mụn nhọt.
- Nhức đầu, chóng mặt ở phụ nữ: Hoa dâm bụt, gỗ vang mỗi thứ 50 g, gừng 3 lát, sắc uống.
Nông Nghiệp Việt Nam (theo Nam dược thần hiệu)