Trị các chứng sản hậu bằng y học cổ truyền
Theo quan niệm của y học cổ truyền, phụ nữ sau đẻ đa phần có tổn thương mạch Xung nhâm, tổn thương khí huyết, tân dịch. Khi nhiễm phải hàn tà, lao động quá sức, ăn uống không đúng cách, phòng dục quá độ, tình trạng này nặng thêm, dẫn tới các chứng huyết ứ, huyết hư, huyết nhiệt..., gọi chung là sản hậu, cần điều trị tức thời để tránh hư nhược cơ thể.
Ðiều trị bệnh sản hậu bao giờ cũng nên lấy đại bổ khí huyết làm căn bản, thường bằng bài thuốc Thập toàn đại bổ: Nhân sâm 6g, nhục quế 3g, xuyên khung 6g, thục địa 12g, phục linh 9g, bạch truật 9g, hoàng kỳ 12g, đương quy 9g, bạch thược 9g, cam thảo 3g. Mỗi ngày sắc uống 1 thang.
Nếu máu hôi ra không dứt, thêm a giao 9g, tục đoạn 9g. Nếu đau bụng lâm râm, xoa bóp chườm nóng đỡ là do nhiễm hàn gia, thêm can khương 4g, đau bụng cứng hạ vị, ấn vào đau là do huyết ứ gia thêm đào nhân 6g, hồng hoa 6g, nếu đại tiện khó đi tăng liều đương quy, bạch thược.
Theo các lương y, người sau đẻ không nên ăn uống kiêng khem quá mức. Cần ăn đủ chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất, tăng lượng protid, hạn chế những đồ xào rán, thức ăn quá nhiều mỡ nê trệ có thể ảnh hưởng tới chức năng chuyển hóa, hấp thu của tỳ vị. Sản hậu thường thuộc hàn chứng không nên ăn các đồ sống lạnh như hải sản, gỏi cá, các chất tanh như cua, ốc, hến, cá mè... nên dùng những thức có tính ôn ấm, giàu dinh dưỡng như thịt gà, trứng gà, sữa bò, thịt dê, gan thận lợn.
Món ăn - bài thuốc
Bài 1: Ngũ vị tử 30g, nhân sâm 30g, đường cát 100g. Ðem ngũ vị tử và nhân sâm sắc thành dịch đặc, thêm đường cát vừa đủ uống trong ngày.
Thức uống này phù hợp với người sản hậu có hoa mắt chóng mặt, âm đạo chảy máu nhiều, sắc mặt trắng bệch, hoảng hốt, ra mồ hôi nhiều. Chủ yếu do tình trạng huyết hư khí nhược. Một liệu trình khoảng 7-10 ngày.
Bài 2: Sơn tra (táo mèo) 30g, ích mẫu thảo 20g, đường đỏ 20g. Ðem sơn tra, ích mẫu thảo rửa sạch, cho vào nồi cùng 3 bát nước sắc nhỏ lửa tới khi còn 1 bát. Chắt lấy nước cho đường đỏ vào đun cho tan hết đường. Uống ngày 1 lần, trong 5-7 ngày.
Bài này phù hợp với những người sản hậu có đau bụng do huyết ứ, vùng hạ vị đau từng cơn, ấn vào đau, huyệt đọng ra sắc tím đen, có máu cục.
Bài 3: Dương nhục (thịt dê) 250g, đương quy 15g, sinh khương (gừng tươi) 10g. Sinh khương bỏ vỏ cùng đương quy rửa sạch, thái lát mỏng. Thịt dê rửa sạch thái miếng nhỏ. Cho tất cả vào nồi, đổ nước ngập, đun sôi rồi vặn nhỏ lửa ninh khoảng 2 giờ. Thêm mắm muối gia vị vừa ăn. Chia ra ăn trong ngày. Làm liên tục khoảng 3-5 ngày.
Dùng cho sản hậu có đau bụng do huyết hư, hàn nhiễm: đau âm ỉ vùng hạ vị, chườm nóng, xoa bóp đỡ đau, tay chân lạnh.
Bài 4: Ðảng sâm 30g, hoàng kỳ 15g, ô kê nhục (thịt gà ác) 200g. Rửa sạch thịt gà, chặt miếng vừa ăn. Cùng đương quy, hoàng kỳ cho vào nồi hầm, hầm trong 3 giờ, tới khi thịt chín nhừ. Thêm mắm muối vừa ăn. Ăn thịt, uống nước hầm.
Thích hợp với sản hậu khí hư: sắc mặt nhợt, hoa mắt chóng mặt nhiều, mất ngủ, máu đọng ra sắc nhợt, chất loãng, ra máu kéo dài.
Bài 5: Hoàng kỳ 120g, gà mái đẻ 1 con, hành hoa, gừng tươi, muối ăn, một chút rượu trắng. Ðem gà làm thịt, làm sạch lông, bỏ hết nội tạng, mổ phanh. Hoàng kỳ rửa sạch thái từng đoạn nhỏ, nhồi vào bụng gà, lấy dây buộc chặt lại. Thêm gừng, hành, muối, rượu cho vào nồi hầm. Ðun nhỏ lửa khoảng 3 giờ tới khi thịt chín nhừ. Ăn thịt uống nước hầm.
Món này thích hợp cho sản hậu phát sốt, ra mồ hôi nhiều, hoa mắt chóng mặt, hồi hộp do khí huyết đều hư.
Bài 6: Lộc nhung 10g, gà ác 250g. Gà ác làm sạch, thái miếng, cùng lộc nhung cho vào nồi thêm nước hầm nhỏ lửa khoảng 3 giờ. Thêm gia vị vừa ăn. Chia ra ăn trong ngày.
Bài này để chữa chứng sản phụ sau đẻ bí tiểu tiện hoặc tiểu tiện không tự chủ, hạ vị chướng đau, lưng đau gối mỏi do thận dương hư.
ThS. Phạm Ðức Dương, Sức khoẻ & Đời sống