Điều trị chảy máu cam bằng y học cổ truyền
Đỗ đen tính mát, có tác dụng chữa chảy máu cam. |
Trong Đông y, chứng chảy máu cam (được gọi là nục huyết) do huyết nhiệt vong hành gây ra, gồm 2 dạng: nội nục huyết và ngoại nục huyết. Mỗi dạng bệnh có phép điều trị riêng.
1. Nội nục huyết
Triệu chứng: Chảy máu mũi đỏ tươi, chân răng cũng chảy máu, lưỡi khô, đỏ; miệng khô. Nếu nặng thì răng lung lay, háo khát, bứt rứt, hôi miệng, táo bón.
Phép điều trị: Thanh nhiệt, lương huyết, chỉ huyết.
- Tang diệp (lá dâu) 16 g, cúc hoa 12 g, liên kiều 8 g, hạnh nhân (bỏ vỏ) 12 g, cát cánh 10 g, cam thảo 6 g, lô căn 8 g, đan bì 16 g, bạch mao căn 12 g. Sắc với 1.600 ml nước, lấy 250 ml. Chia 6 phần uống trong ngày (uống nguội). Thích hợp với người chảy máu cam do phế nhiệt (nóng ở phổi),
- Thạch cao, mạch môn đông, tri mẫu, ngưu tất mỗi thứ 24 g, thục địa 12 g. Thạch cao giã nát, cho vào túi vải túm lại. Mạch môn bỏ lõi. Tất cả sắc với 1.200 ml nước, lấy 250 ml. Chia 5 phần uống trong ngày (uống nguội). Thích hợp với những người bị chảy máu cam do vị nhiệt (nóng ở dạ dày).
- Long đởm thảo, hoàng cầm, trạch tả, mộc thông, đương quy mỗi thứ 12 g, sinh địa, chi tử, huyền sâm, mạch môn mỗi thứ 16 g, cam thảo 6 g. Chi tử sao đen, mạch môn bỏ lõi. Tất cả sắc với 1.600 ml nước, lấy 250 ml. Chia 4 phần uống trong ngày (uống nguội). Thích hợp với người chảy máu cam do âm hư, hỏa vượng.
2. Ngoại nục huyết
Triệu chứng: Mũi chảy máu. Bệnh nhân thấy khát, buồn phiền, có nốt xuất huyết dưới da. Những nốt này có thể lấm tấm hoặc thành từng mảng, lúc đầu đỏ, sau xanh tím. Người mệt mỏi, ăn uống kém.
Phép điều trị: Sơ can, lương huyết, tiêu ứ.
- Bạch thược 16 g, bạch truật, bạch linh, đương quy, đan bì, chi tử (sao lên) mỗi thứ 12 g, sài hồ 10 g, ngũ vị tử 8 g. Tất cả sắc với 1.700 ml nước, lấy 250 ml. Chia 4 lần uống trong ngày (uống nguội).
- Bẹ móc 20 g, ngó sen 30 g, cỏ nến 15 g, đỗ đen 30 g. Tất cả sắc với 1.000 ml nước, 150 ml, chia 3 lần uống trong ngày.
BS Trần Xuân Thủy, Sức Khỏe & Đời Sống