CHỮA QUAI BỊ BẰNG Y HỌC CỔ TRUYỀN
GS. HOÀNG BẢO CHÂU
Quai bị là bệnh lây cấp do virus, có sốt, sưng tuyến nước bọt ở mang tai. Virus phát triển ở hạch nước bọt, nếu phát tán ra sẽ vào máu và có thể gây các biến chứng viêm tinh hoàn, viêm màng não, viêm tụy... Y học cổ truyền cho rằng: nguyên nhân gây quai bị là khí ôn độc, hoặc phong nhiệt ở ngoài, xâm phạm vào kinh thiếu dương, kinh dương minh, rồi kết với đờm hỏa ở trong, cùng tích lại ở tuyến nước bọt. Nếu bệnh nặng thì "độc tà" có thể truyền từ kinh thiếu dương sang kinh quyết âm (từ biểu truyền vào lí) gây nên viêm tinh hoàn, co giật (kinh quyết).
Để điều trị người ta dùng phép thanh nhiệt, giải độc, tiêu sưng, có thể dùng châm cứu, hoặc dùng thuốc. Cụ thể như sau:
Châm cứu
Huyệt gần nơi bị bệnh: Giáp xa, ế phong để tiêu sưng, giảm đau. Huyệt ở xa nơi bị bệnh: Chi câu để thanh nhiệt ở kinh thiếu dương, hợp cốc để thanh trừ phong nhiệt ở đầu mặt.
Nếu có viêm tinh hoàn dùng: Hành gian, để khu phong thanh nhiệt ở kinh quyết âm, tam âm giao để thanh huyết nhiệt.
Cách châm: ở huyệt ế phong, giáp xa, mũi kim hướng về nơi có bệnh. Ở các huyệt khác, châm thẳng góc.
Châm tả: nếu châm kim thì lưu kim 30 phút, cứ 5 phút vê kim mạnh 1 lần.
Nếu châm điện thì khi kích thích điện cơ nhai co duỗi nhịp nhàng, tần số 3-5 hec/giây.
Châm mỗi ngày một lần. Thường khoảng ngày thứ 3 thì hết sưng đau.
Dùng thuốc
- Thuốc uống: Bồ công anh 40g, hạ khô thảo 20g sắc lấy 300ml nước thuốc, uống làm 2 lần, mỗi lần cách nhau 3 giờ.
- Thuốc bôi tại chỗ
+ Nước cốt miếng trầu thuốc, bôi nhiều lần trong ngày.
+ Hạt gấc mài với dấm thanh đến sền sệt, bôi nhiều lần trong ngày.
Vị trí các huyệt châm
1. Ế phong: Chỗ lõm sau mỏm nhọn nhất của dái tai, sau góc xương hàm dưới, sát bờ trước cơ ức đòn chũm (chỗ bám xương chũm).
2. Giáp xa: ở trước góc hàm, trên bờ dưới xương hàm dưới 1 khoát ngón tay, ở chỗ cơ cắn nổi cao nhất khi cắn răng và lõm xuống khi nhả ra.
3. Chi câu: Mặt sau cẳng tay, ở khe xương quay và xương trụ, trên nếp cổ tay 3 tấc ta.
4. Hợp cốc: Chỗ lõm giữa xương bàn tay 1 và xương bàn tay 2, ấn vào có cảm giác tê tức.
5. Tam âm giao: ở chỗ lồi cao nhất mắt cá trong 3 tấc, ở chỗ lõm sát bờ sau trong xương chày.
6. Hành gian: ở mu chân chỗ đầu kẽ ngón chân cái và ngón thứ hai khi ép vào nhau.
Bi chú: Bác sĩ Trần Phi Liệt (Nam Định) đã dùng châm cứu chữa 20 trường hợp đều có kết quả.