Chữa sạm da bằng y học cổ truyền
Căn bệnh này thường gặp ở phụ nữ trung niên do hắc tố lắng đọng quá mức. Đông y cho rằng bệnh này phần nhiều là do thận âm bất túc, hoặc can khí uất kết, lâu ngày hóa thành nhiệt, gây tổn thương âm huyết mà dẫn đến sạm da.
Tổn thương hay thấy tại các vùng hai bên má, mũi, quanh miệng. Theo Tây y, nguyên nhân và cơ chế phát sinh bệnh này còn chưa rõ ràng. Cho đến nay, người ta cho rằng bệnh có liên quan đến yếu tố di truyền, bị chiếu nắng hoặc tia cực tím, thai nghén, do uống một số thuốc, có bệnh gan mạn tính, lao, phụ khoa. Trong đó, bị chiếu nắng là một trong những nguyên nhân quan trọng và là nhân tố làm cho bệnh nặng thêm.
Theo Đông y, sạm da thường kèm với các triệu chứng rối loạn kinh nguyệt, đau lưng mỏi gối, hoặc các triệu chứng của can khí uất như dễ cáu gắt, bực bội.
Để điều trị, có thể dùng thuốc uống gồm sinh địa (hoặc thục địa), bạch thược, hoài sơn, đan sâm, huyền hồ, sài hồ, xuyên tiêu, bạch cương tàm, bạch tật lê, bạch chỉ, bạch cập, bạch vi. Nếu có kèm các triệu chứng của thận âm hư thì thêm: nữ trinh tử, câu kỷ tử. Nếu có kèm kinh nguyệt không đều thì thêm các vị đương quy, ích mẫu, trạch lan. Nếu hay cáu gắt, nên thêm hương phụ. Liều lượng thuốc dùng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị.
Về thuốc dùng ngoài, nên đắp mặt bằng bột thuốc (được chế từ xích thược, đan sâm, đào nhân, bạch cập, bạch cương tàm, bạch đinh hương) theo quy trình sau:
- Chuẩn bị thuốc: Bột thuốc kể trên hòa với sữa tươi không đường thành bùn nhão.
- Chuẩn bị mặt: Rửa sạch mặt bằng khăn ấm, xoa bóp để loại trừ đi lớp biểu bì chết và tăng cường tuần hoàn tại chỗ.
- Đắp một lớp mỏng thuốc lên những vùng da bị sạm, lưu thuốc trong 30 phút rồi tắm rửa sạch bằng khăn ấm.
Người bị sạm da nên đến thầy thuốc để được khám nhằm tìm ra các bệnh kèm theo và điều trị (nếu có). Ngoài ra, cần duy trì trạng thái tâm lý thoải mái, ngủ đủ nhu cầu, ăn nhiều rau quả, tránh các thức ăn cay nóng. Nếu kiên trì điều trị, chứng sạm da hoàn toàn có thể cải thiện được.
TS. Tạ Văn Bình, Sức Khoẻ & Đời Sống