Chữa sốt rét bằng các vị thuốc Nam
Tác giả : BS. QUÁCH TUẤN VINH
Bệnh sốt rét đang là mối quan tâm của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Hiện nay, đã có nhiều loại thuốc Tây điều trị sốt rét đạt hiệu quả cao, và không ít loại thuốc có nguồn gốc từ thực vật.
Nhằm mục đích kế thừa vốn y học cổ truyền trong thực hành điều trị sốt rét, bài viết này xin giới thiệu một số bài thuốc Nam đơn giản chữa bệnh sốt rét
.QUAN NIỆM VỀ BỆNH SỐT RÉT THEO Y HỌC CỔ TRUYỀN
Sốt rét là một bệnh thuộc phạm vi “ôn bệnh”; Đại danh y Tuệ Tĩnh trong tác phẩm Nam dược thần hiệu mô tả căn bệnh này có nguyên nhân “Do cảm phải phong hàn thấp nhiễm vào bì phu, ở đó lâu ngày không tiêu tan, truyền vào trường vị, vận chuyển vào khí huyết, ban ngày chạy theo dương phận, ban đêm chạy theo âm phận, hợp lại thì lên cơn, tan đi thì bệnh ngừng, theo khí phận thì phát sốt, theo huyết phận thì phát lãnh, hàn nhiệt giao tranh thì lên cơn, bệnh nhẹ thì mỗi ngày cữ một lần, nặng thì cách nhật, thuộc khí phận thì cữ lúc sáng, thuộc huyết phận thì cữ lúc chiều. Lúc mới lên cơn thì ngáp dài, ớn lạnh, run rẩy, nhức đầu, hoặc khát nước, hoặc lạnh rồi lại nóng, hoặc nóng rồi lại lạnh, hoặc nóng nhiều lạnh ít, lâu ngày không khỏi sẽ thành “lao ngược”, hoặc khí cơ không chuyển vận nên trong bụng tích lại thành báng...”.
CÁC BÀI THUỐC NAM CHỮA SỐT RÉT
Bài 1: Hạt cau, thường sơn, hạt dành dành 3 vị bằng nhau, tán nhỏ, viên với mật bằng hạt đậu xanh, uống với rượu, mỗi lần 50-60 viên, trước khi lên cơn, uống vào bữa ăn: sau khi đã ăn được nửa bữa thì uống nước rồi ăn tiếp cho no. Bài thuốc có tác dụng chữa sốt rét cơn.
Bài 2: Nhân hạt gấc, vảy tê tê rang phồng lượng bằng nhau, tán nhỏ, uống mỗi ngày 12g với rượu. Tác dụng chữa sốt rét có báng hay còn gọi là sốt rét lách to.
Bài 3: Ô mai bỏ hột 4 quả, thường sơn 8g đồ với giấm, phơi khô tán nhỏ, giã nhỏ làm viên, uống với rượu vào sáng sớm, uống đón trước khi lên cơn. Bài thuốc có tác dụng chữa sốt rét cơn (Bách gia trân tàng).
Bài 4: Lá hồng bì tươi 40-50g, sắc uống nóng cho ra mồ hôi. Bài thuốc có tác dụng chữa sốt rét cơn.
Bài 5: Lá na một nắm nhỏ (khoảng 20g tươi), sắc uống hàng ngày, nên uống chặn trước khi lên cơn sốt. Bài thuốc có tác dụng cắt cơn sốt rét.
Bài 6: Chữa sốt rét do khí độc rừng núi: tỏi 6-7 củ, để sống 1 nửa, nướng chín một nửa, ăn cho hết, mửa hay đại tiện thông thì khỏi (Nam dược thần hiệu).
Bài 7: Hy thiêm tươi một nắm, giã nhỏ, chế nước sôi vào, vắt lấy nước cốt uống 1 chén, uống nhiều lần sẽ nôn được đờm dãi. Bài thuốc có tác dụng chữa sốt rét lâu ngày, đờm đọng, không muốn ăn uống.
Bài 8: Rễ cỏ xước 1 nắm, giã nát, sắc uống. Bài thuốc có tác dụng trị chứng sốt rét cơn lâu ngày không khỏi.
Bài 9: Thanh hao hái buổi sáng ngày Đoan ngọ (mùng 5 tháng 5), phơi trong bóng râm, mỗi lần dùng 4 phần, quế tâm 1 phần, tán nhỏ sắc uống với rượu, uống chặn cữ trước một ngày thì khỏi.
Bài 10: Lá ngải cứu giã nát, vắt lấy nước cốt uống. Lúc không bệnh thì lấy lá hoặc vỏ cây nướng vàng nấu nước uống thay trà. Bài thuốc này có tác dụng trị chứng hàn ngược do tỳ hư, lạnh nhiều nóng ít, biếng ăn, biếng uống... Tuệ Tĩnh đã nhận xét đây là bài thuốc rất hay.
CHỮA SỐT RÉT MÃN TÍNH
Để chữa sốt rét lâu ngày không khỏi, Tuệ Tĩnh dùng một số phương thuốc sau:
Bài 1: Lá diếp cá (thường dùng loại màu tía) 2 nắm, giã nhỏ, dùng lụa bọc lại xát khắp người lúc sắp lên cơn sốt rét, giúp ngủ được và ra mồ hôi làm bệnh đỡ.
Bài 2: Quả ké đầu ngựa sấy khô, tán nhỏ, viên với hồ bằng hạt ngô đồng, mỗi lần uống 30 viên với rượu, ngày uống 2 lần, hoặc có thể giã tươi, vắt lấy nước cốt uống.
Bài 3: Một phương thuốc khác cũng rất đơn giản và dễ áp dụng. Đó là tỏi giã nhỏ, trộn với chút hoàng đơn, làm viên bằng bột củ súng, mỗi lần uống một viên. Phương thuốc này cũng được Tuệ Tĩnh khen là rất hay.
Nước ta là một nước nhiệt đới có thảm thực vật vô cùng phong phú, đại thiền sư danh y Tuệ Tĩnh từng có câu nói nổi tiếng “Nam dược trị Nam nhân”, ý nói bệnh người phương Nam thì nên dùng thuốc Nam mà chữa. Kho tàng y học dân gian của Việt Nam vô cùng phong phú, vì vậy vấn đề khai thác, ứng dụng những bài thuốc Nam hay là việc đáng được chúng ta nghiên cứu để tiếp tục kế thừa tinh hoa của tiền nhân.
Chú thích ảnh:
- Hy thiêm.
- Quả gấc. Ảnh: Lê Thị Phước