Mắc bệnh phụ khoa do thụt rửa bằng dịch sát khuẩn
Nấm candida, tác nhân nhiễm khuẩn âm đạo dưới kính hiển vi. |
Những chị em có thói quen thụt rửa âm đạo bằng dung dịch sát khuẩn có tỷ lệ mắc bệnh cao gấp 5 lần người thường. Đó là kết quả nghiên cứu trên hơn 140 bệnh nhân nhiễm khuẩn âm đạo điều trị tại Phòng khám phụ khoa, Bệnh viện Từ Dũ, TP HCM.
Nghiên cứu của PGS. Trần Thị Lợi, Phó chủ nhiệm Bộ môn Phụ sản Đại học Y được TP HCM cùng các đồng sự cho thấy, việc thụt rửa âm đạo thường xuyên bằng dung dịch này sẽ phá huỷ phổ vi khuẩn bình thường của âm đạo. Lúc đó, độ pH của âm đạo bị kiềm hoá, tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh phát triển.
Lý giải, theo bà Lợi, người khoẻ mạnh có cơ chế tự bảo vệ chống viêm nhiễm, khiến các glycogen biến đổi thành acid lactic và duy trì độ pH dao động 3,8-4,8 cho môi trường âm đạo. Bình thường, tại đây có nhiều vi khuẩn sống hoại sinh, trong đó phải kể đến 7 loại Lactobacilli giúp cân bằng trạng thái.
Khi dung dịch sát khuẩn phá vỡ cân bằng trong môi trường, viêm nhiễm sẽ xảy ra, không những gây khó chịu mà còn ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ. Đặc biệt, ở phụ nữ mang thai, nhiễm khuẩn âm đạo có thể tăng nguy cơ sanh non, nhiễm trùng hậu sản, thai nhẹ ký. Do đó, theo lời khuyên của bác sĩ Lợi, chị em chỉ nên vệ sinh âm hộ bằng nước sạch rồi lau khô sau khi đi tiêu, tiểu hoặc giao hợp.
Lê Nhàn