Nhiễm trùng roi ở đường sinh dục
Đây là căn bệnh khá phổ biến ở phụ nữ (nam giới cũng có thể bị), nhất là lứa tuổi từ 16 đến 45. Bệnh lây do quan hệ tình dục với người có bệnh hoặc vệ sinh đường sinh dục không tốt. Trùng roi cũng có thể truyền từ mẹ sang con khi sinh nở.
Trùng roi có thể chui vào đường sinh dục khi tắm nước bẩn như nước ao, hồ. Khăn vệ sinh, quần áo lót ẩm ướt cũng tạo điều kiện cho nó xâm nhập cơ thể và gây bệnh. Bệnh có thể lây từ người lớn sang trẻ em do tay người chăm sóc bị nhiễm trùng roi.
Đa số đàn ông có quan hệ tình dục với người bị bệnh sau 24-48 giờ
không có biểu hiện gì. Một số ít người có thể có ngứa ở quy đầu, đái
buốt, đái rắt, có khi tiết dịch ở miệng sáo. Trường hợp bệnh mạn
tính thỉnh thoảng thấy khó chịu dọc theo niệu đạo và có tiết ít chất
nhầy đục về buổi sáng.
Ở phụ nữ, biểu hiện rầm rộ hơn: ra khí
hư màu vàng, hơi xám, có bọt, nặng mùi. Ngứa dữ dội ở âm đạo, âm hộ
khiến nơi đây có các vết trợt do gãi. Bệnh nhân đái buốt và thường
kèm theo sưng nề âm hộ, đau lúc giao hợp và lúc hành kinh. Âm hộ đỏ,
hơi đau. Bệnh không được điều trị có thể dẫn đến các biến chứng như
viêm nội mạc tử cung, viêm phần phụ.
Nếu phát hiện thấy bệnh, cần điều trị cho cả những người quan hệ tình dục với bệnh nhân. Trong thời gian điều trị, tránh quan hệ tình dục.
Phụ nữ nhiễm trùng roi cần rửa ngày 2-3 lần bằng nước muối loãng, xà phòng hoặc dung dịch vệ sinh phụ nữ có bán sẵn. Đặt thuốc viên đạn hoặc kết hợp với uống thuốc theo đơn của bác sĩ.
Để phòng được bệnh này, cần thực hiện chế độ một vợ, một chồng, không quan hệ tình dục với nhiều người. Trong khi có thai, nếu phát hiện thấy bệnh phải điều trị kịp thời, tránh lây nhiễm cho trẻ sơ sinh. Phải rửa tay sạch sẽ trước khi chăm sóc trẻ, tắm nước sạch.
BS. Hồng Hạnh, Sức Khỏe & Đời Sống