ĐIỀU TRỊ HORMONE THAY THẾ Ở PHỤ NỮ MÃN KINH
BS. ĐỖ BẮNG TÂM
Trong thời gian gần
đây, người ta có đề cập đến nhiều vấn đề dùng hormone thay thế ở phụ nữ mãn
kinh. Vấn đề này, đặc biệt sôi nổi ở các nước đã phát triển. Vậy, điều trị
hormone thay thế là gì? Tác dụng có lợi và có hại của nó ra sao?
Mãn kinh là một tình trạng sinh lý, khi buồng
trứng đã thoái hóa hoàn toàn và sự kiện này đánh dấu sự kết thúc cuộc sống
sinh sản của người phụ nữ. Tuổi mãn kinh trung bình là đầu lứa tuổi 50. Tuổi
trung bình này có thay đổi nhỏ ở những nhóm quần thể khác nhau và thay đổi
theo thời gian giữa các thế kỷ.
Tiền mãn kinh là giai đoạn vài năm trước kỳ kinh
cuối cùng. Lúc này các hormone do buồng trứng bài tiết ra và các
gonadotropin trở nên thất thường, mất cân bằng và gây ra một số các triệu
chứng có thể làm cho người phụ nữ lo lắng.
Người ta có xu hướng cho
rằng sự thiếu hụt oestrogen kéo dài trong giai đoạn này chính là nguyên nhân
làm tăng nguy cơ loãng xương, các bệnh tim mạch, gây ra một số lo lắng cho
người phụ nữ và trong những năm gần đây người ta còn cho rằng nó có liên
quan với bệnh Alzheimer, là bệnh rối loạn trí nhớ hay gặp ở người già. Vì
vậy, người ta dùng oestrogen để thay thế cho lượng đã mất đi ở phụ nữ trong
những giai đoạn này. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh tác dụng có lợi của
phương pháp điều trị thay thế này.
Sau một vài tuần điều
trị bằng hormone thay thế, các triệu chứng như rối loạn vận mạch, cơn bốc hỏa, ra mồ hôi ban đêm,
cũng như những triệu chứng liên quan như: rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi, thay
đổi cảm xúc, là các triệu chứng hay gặp của giai đoạn tiền mãn kinh sẽ giảm
hẳn xuống. Toàn trạng bệnh nhân sẽ khá hơn và bệnh nhân sẽ không còn cảm
giác mất tự tin khi cảm thấy các triệu chứng của tuổi già đang đến với mình.
Chứng loãng xương, một
chứng tác dụng đến một phần ba số phụ nữ sau mãn kinh là nguyên nhân chủ yếu
đáng lo ngại và phải tốn kém rất nhiều để giải quyết những khó khăn do nó
gây ra. Bình thường các chất khoáng trong xương bắt đầu giảm ở lứa tuổi cuối
30 và nó sẽ bị đẩy nhanh do mất oestrogen trong giai đoạn mãn kinh. Điều trị
oestrogen thay thế được xem là lựa chọn đầu tay trong điều trị ngăn chặn
loãng xương. Nó làm dừng quá trình mất chất khoáng trong xương cũng như có
thể làm kéo dài khoảng thời gian dẫn tới gãy xương. Tốt nhất là dùng nó
trong giai đoạn mãn kinh. Mặc dù vậy, ở phụ nữ sau mãn kinh nó vẫn có hiệu
quả tốt.
Trong giai đoạn mãn kinh,
tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch gia tăng. Nhóm có nguy cơ
cao nhất là nhóm bệnh nhân đái đường, hút thuốc, tăng cholesterone trong
máu. Oestrogen có tác dụng giảm cholesterone, tăng HDL/LDL, cải thiện dòng
máu mạch vành, giảm hình thành khối tiểu cầu, giảm kháng insuline. Các đặc
điểm này đã được các nghiên cứu dựa vào kết quả xét nghiệm chứng minh, nguy
cơ giảm 50% ở bệnh nhân có tiền sử tim mạch và 30% ở bệnh nhân tai biến mạch
não.
Một tổ chức quan trọng
liên quan đến oestrogen là bộ não - cơ quan đích quan trọng nhất của
oestrogen và các hormone khác. Các nghiên cứu cho thấy phụ nữ sau giai đoạn
mãn kinh được điều trị bằng oestrogen sẽ duy trì được trí nhớ về ngôn ngữ,
tăng khả năng tiếp thu, tăng khả năng giải quyết vấn đề rắc rối trong cuộc
sống. Đặc biệt, đối với bệnh Alzheimer là bệnh thường gặp ở phụ nữ làm giảm
trí nhớ, oestrogen cho thấy có thể trì hoãn thậm chí ngăn cản được sự xuất
hiện và tốc độ của tiến trình bệnh, giảm tỷ lệ tử vong. Nó dường như làm
tăng tác dụng của chất ức chế acetylcholinesteraza dùng trong điều trị
Alzheimer. Nó cũng được thấy là có tác dụng tương tự khi kết hợp với các
chất ức chế tái nhận biết serotonin dùng trong trầm cảm.
Trong giai đoạn mãn kinh,
hiện tượng tiết nhày ở âm đạo giảm đi dẫn đến xuất hiện hiện tượng khô âm
đạo, gây đau khi giao hợp, chảy máu. Những thay đổi này có thể được điều trị
bằng các oestrogen tại chỗ, nó có thể ở dạng cream, viên đạn, thuốc viên
hoặc vòng âm đạo giải phóng ostradiol, các thuốc dùng theo đường toàn thân
cũng có tác dụng giảm các triệu chứng này. Nếu có nhu cầu dùng dài ngày nên
phối hợp với progestogen theo chu kỳ. Ở tuổi mãn kinh, có sự tăng tỷ lệ mắc
các chứng như: đái đêm, đái són, hay đi tiểu và các nhiễm trùng đường tiết
niệu cũng thường gặp hơn. Oestrogen thay thế làm giảm các triệu chứng này
khi chúng là kết quả của sự thiếu hụt oestrogen và nếu các triệu chứng không
giảm thì phải tìm các nguyên nhân khác.
Ngoài ra, các oestrogen
thay thế cũng còn có những tác dụng có lợi khác mà nhiều phụ nữ quan tâm, đó
là tác dụng trên da mặt. Khi nồng độ oestrogen giảm xuống trong giai đoạn
mãn kinh, các sợi collagen trong cơ thể sẽ bị mỏng đi và mất tính mềm mại,
kết quả làm mỏng da mặt, gây ra những nếp nhăn khiến phụ nữ lo lắng. Điều
trị hormone thay thế làm thay đổi quá trình đó, giảm được sự xuất hiện nếp
nhăn khiến phụ nữ cảm thấy hạnh phúc hơn.
Bên cạnh đó, oestrogen
còn có tác dụng ngăn chặn hoặc làm giảm hiện tượng rụng tóc, khô mắt, khô
miệng, đau cơ khớp không đặc hiệu.
Nhiều nghiên cứu dịch tễ
cho thấy nó còn làm giảm ung thư không phụ thuộc oestrogen, đặc biệt là ung
thư ruột, nhưng cơ chế này còn chưa rõ ràng.
Tuy nhiên, cũng như rất
nhiều các thuốc khác, điều trị hormone thay thế cũng có chống chỉ định và
những tác dụng không mong muốn. Nhiều nghiên cứu cho thấy nguy cơ xuất hiện
ung thư vú tăng lên sau 5 năm dùng hormone thay thế và tỷ lệ này tăng lên
30% sau 9 năm - 10 năm, nhưng tỷ lệ tử vong do ung thư vú ở người dùng
hormone thay thế lại giảm xuống, có lẽ do ung thư vú khi dùng hormone thay
thế có hoạt tính tế bào thấp hơn và ít di căn hơn. Người ta đang tranh cãi
nhiều về việc liều dùng kèm progestogen có làm giảm được nguy cơ này hay
không. Ở những người phụ nữ đã bị ung thư vú thì hormone thay thế sẽ ảnh
hưởng ra sao là điều đang được nghiên cứu tiếp.
Nguy cơ xuất hiện ung thư
nội mạc tử cung tăng lên rõ ràng ở những phụ nữ không bị cắt tử cung dùng
oestrogen. Nguy cơ có liên quan đến liều và thời gian dùng hormone, dùng
thêm progestogen với thời gian lâu thích hợp dường như hạn chế được nguy cơ
đáng lo ngại này. Nhưng đối với ung thư buồng trứng thì chưa có bằng chứng
nào chứng tỏ điều trị hormone thay thế có liên quan.
Trước kia nhiều tài liệu
về điều trị hormone thay thế có đề cập đến nguy cơ tương đối lớn xuất hiện
tắc tĩnh mạch huyết khối ở những người sử dụng phương pháp này. Những năm
gần đây người ta cho rằng nguy cơ chỉ rất nhỏ và có nhiều yếu tố khác làm
tăng nguy cơ này, cần được xét đến khi viêm tắc tĩnh mạch huyết khối xuất
hiện, ví dụ tình trạng béo phì, tiền sử gia đình.
Có một số trường hợp
không được sử dụng hormone thay thế đó là:
- Chảy máu âm đạo không
rõ căn nguyên.
- Bệnh gan nặng
- Tắc tĩnh mạch huyết
khối thấp.
- Bệnh ác tính phụ thuộc
oestrogen.
Thành phần chủ yếu của
hormone thay thế là oestrogen dưới dạng oestrone, oestriol. Các ethinyl
oestrogen mestranol là một loại tổng hợp được khuyến cáo là không nên dùng
do chuyển hóa mạnh và tác dụng phụ tắc mạch do huyết khối.
Các progestogen trong
điều trị hormone thay thế:
- Narethisterone
(acetate).
- Medroxyprogesterone.
- Norgestrel,
levonorgestrel.
- Dydrogesterone.
Các thuốc ở dưới dạng
thuốc uống, thuốc đặt và cấy da. Các thuốc đặt, cấy da sẽ tránh được tác
dụng phụ qua gan, tác dụng không mong muốn và tác dụng tắc mạch huyết khối.
Điều trị bằng hormone
thay thế không cần thiết cho tất cả các phụ nữ nhưng nó có nhiều lợi ích cho
những phụ nữ ở giai đoạn mãn kinh. Tuy nhiên, cần phải biết các tác dụng có
lợi và có hại của thuốc. Trên cơ sở đó có thể quyết định có điều trị hay
không và điều trị như thế nào để có lợi ích tối đa và nguy cơ tối thiểu.
Dùng hormone thay thế không phải là để kéo dài cuộc sống mà còn là để cải
thiện sức khỏe và mang lại hạnh phúc cho phụ nữ ở lứa tuổi hoàng hôn.