NHỮNG QUAN NIỆM NHÂN VĂN VỀ TUỔI MÃN KINH
BS. ĐÀO XUÂN DŨNG
Tuổi mãn kinh của phụ nữ
nhìn chung xảy ra quanh tuổi 50, tuy nhiên, mãn kinh là một quá trình, có
thể đã bắt đầu từ tuổi 40 hoặc sớm hơn tùy từng người và sự suy giảm bài
tiết hormon sinh dục nữ cũng đã đo được từ khoảng tuổi 35.
Trước đây, tuổi mãn kinh
thường bị nhìn nhận với nhiều định kiến sai lầm. Các thầy thuốc và các nhà
tâm lý phải chịu trách nhiệm một phần quan trọng về điều này vì họ đã sáng
tạo ra một cách vội vàng, võ đoán nhiều nhận định không dựa trên những căn
cứ khoa học vững chắc và không đưa ra được một giải pháp tích cực. Ví dụ như
Helene Deutsch, một môn đệ của Freud, coi những phụ nữ mãn kinh là những
người đang "chết từng phần" (partial death) và việc làm chủ được những biến
động tâm lý ở tuổi mãn kinh là việc làm khó khăn nhất trong cuộc đời người
phụ nữ. Nói cho đúng ra thì khó khăn và phức tạp nhất lại chính là việc làm
thế nào thay đổi được những định kiến của xã hội về tuổi mãn kinh và chính
người phụ nữ bước vào tuổi mãn kinh cũng cần hiểu biết để thay đổi cách suy
nghĩ về chính bản thân mình. Đã từng có nhận định y học cho rằng tuổi mãn
kinh là tuổi "nổi loạn hormon", làm cho người phụ nữ trở nên người có tính
khí và hành vi thất thường và không thể đảm đương được những công việc quan
trọng. Lại cũng có ý kiến khuyên phụ nữ tuổi mãn kinh cần bận rộn hoặc lao
động cật lực để quên đi những khó chịu ở tuổi này. Cả 2 thái cực đó đều
không đúng hoặc không có lợi cho phụ nữ. Chưa hết, có thầy thuốc phụ khoa
nước ngoài rất nổi tiếng, đồng thời là nhà văn còn mô tả cuộc sống tuổi mãn
kinh như là một "cuộc sống tàn lụi" (living decay). Một thầy thuốc phụ khoa
khác, tác giả của một cuốn sách thuộc loại Best Seller (bán chạy nhất) còn
phát biểu trong cuộc hội thảo khoa học rằng "phụ nữ tuổi mãn kinh là hình
ảnh tái tạo những tính cách tồi tệ nhất trong tuổi trẻ của chính họ" và "nếu
như không thực sự trở thành đàn ông thì cũng không còn là người đàn bà bình
thường nữa". Và sau những nhận định có tính "bôi nhọ" phụ nữ tuổi mãn kinh
như thế, các thầy thuốc còn củng cố quan điểm của họ bằng việc đưa ra những
phương pháp điều trị cọi mãn kinh như là một bệnh và cần được chữa trị bằng
cả phẫu thuật (cắt tử cung).
Ngày nay, tuổi mãn kinh
đã được giới khoa học nhận định một cách công bằng và tích cực hơn, rất
nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe, tâm lý, trí lực, tính dục... tuổi mãn
kinh đã được nghiên cứu và đã trở thành những chủ đề được quan tâm nhất
trong 3 thập kỷ gần đây vì rằng số phụ nữ có tuổi đã tăng lên rõ rệt. Và
nhận định hiện đại được nhiều phiếu ủng hộ nhất là coi tuổi mãn kinh chỉ là
một giai đoạn chuyển tiếp trong cuộc đời cần được giúp đỡ, cần thay đổi
những thành kiến xã hội và chính phụ nữ cũng cần hiểu biết về chính bản
thân. Rất nhiều phụ nữ ở nhiều nước trên thế giới ngày nay có tuổi thọ vượt
qua tuổi mãn kinh 20-30 năm, vậy cả quãng thời gian dài đó họ cần được giúp
đỡ những gì? Trước hết, đó là hướng dẫn một lối sống tích cực (vận động, chế
độ ăn thích hợp), những thuốc đối phó với những khó chịu của tuổi mãn kinh,
nhưng không phải tất cả phụ nữ đều có (cơn bừng nóng, tâm tính thay đổi, âm
đạo khô, ham muốn tình dục thất thường, dễ quên, khó ngủ và khó giữ được
nước tiểu). Và cả những bệnh dễ xảy ra ở tuổi mãn kinh và sau mãn kinh (xốp
xương, bệnh tim, ung thư). Một thách thức trong chăm sóc phụ nữ sau mãn kinh
là cuộc sống của họ: cô đơn, túng thiếu, bị đối xử tồi tệ thậm chí bị bỏ
rơi, không ai chăm sóc. Nhiều nghiên cứu xã hội học đã nhấn mạnh đến yếu tố
sức khỏe tâm thần cho những phụ nữ đã qua tuổi sinh sản: một cuộc sống sum
vầy bên con cháu, được quý trọng, được đóng góp sức lực và kinh nghiệm của
mình vào công việc gia đình lại chính là yếu tố quan trọng để kéo dài tuổi
thọ.