KỸ THUẬT CHO – NHẬN PHÔI TRONG ĐIỀU TRỊ VÔ SINH
Tác giả : BS. ĐẶNG QUANG VINH (Khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Phụ Sản Từ Dũ)
Ngày nay, việc cho - nhận phôi đã được chấp nhận rộng rãi và áp dụng như một phương pháp điều trị vô sinh tại hầu hết các nước trên thế giới như Mỹ, các nước châu Âu, Úc…. Em bé đầu tiên trên thế giới chào đời từ kỹ thuật cho - nhận phôi được ghi nhận tại Úc vào năm 1984. Tại Việt Nam kỹ thuật cho - nhận phôi cũng đã chính thức được Chính phủ và Bộ Y tế cho phép thực hiện vào đầu năm 2003.
Giải quyết vấn đề phôi tồn đọng
Với sự cải thiện không ngừng của hệ thống nuôi cấy phôi trong phòng thí nghiệm, cũng như việc áp dụng thường quy các phác đồ kích thích buồng trứng trong kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, ngày càng có nhiều phôi với chất lượng tốt được hình thành. Trữ phôi đã trở thành kỹ thuật không thể tách rời của một trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm hoàn chỉnh, làm số lượng phôi được trữ ngày càng nhiều. Tuy nhiên trong số đó, có không ít trường hợp bệnh nhân không còn nhu cầu sử dụng nữa, dẫn đến tình trạng nhiều phôi tồn đọng trong nitơ lỏng trong thời gian dài. Nhằm hạn chế vấn đề trên, ở hầu hết các nước trên thế giới, việc lưu trữ phôi thường được giới hạn trong một khoảng thời gian nhất định, trung bình là 2 - 5 năm. Mặc dù vậy, theo một thống kê tại các trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm ở Anh cho thấy vẫn có đến hàng chục ngàn phôi tồn đọng và phải được hủy bỏ. Trong đa số các trường hợp, khi hết hạn trữ phôi hay khi không còn nhu cầu sử dụng, cặp vợ chồng sở hữu các phôi có quyền yêu cầu. (1) Hủy bỏ phôi, (2) Dùng cho nghiên cứu khoa học hay (3) Cho phôi cho các cặp vợ chồng có nhu cầu.
Các đối tượng có nhu cầu nhận phôi.
Tại các nước trên thế giới, cho - nhận phôi là kỹ thuật điều trị vô sinh thường chỉ được áp dụng cho một số trường hợp đặc biệt, hay gặp nhất là 1/ Người vợ có những bất thường về buồng trứng như suy buồng trứng sớm, kém đáp ứng với kích thích buồng trứng mà không có điều kiện thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) - cho trứng hay 2/ Người chồng có bất thường tinh trùng nặng mà không có điều kiện thực hiện TTTON hoặc xin tinh trùng và 3/ Vợ hay chồng có các bệnh lý liên quan đến di truyền, có thể dẫn đến bệnh lý gây tử vong cho trẻ.
Riêng tại Việt Nam, các đối tượng được điều trị bằng kỹ thuật cho - nhận phôi đã được quy định trong Nghị định của Chính phủ và Thông tư của Bộ Y tế về việc “Sinh con theo phương pháp khoa học”.
Nguồn gốc của phôi người cho
Trữ lạnh phôi hiện đã trở thành một phần không thể tách rời của kỹ thuật hỗ trợ sinh sản tại một trung tâm điều trị vô sinh. Trong nhiều trường hợp, sau một thời gian, một số cặp vợ chồng không có nhu cầu sử dụng những phôi còn đang được trữ lạnh. Trong những trường hợp này, các cặp vợ chồng trên có thể được hướng dẫn cho phôi để sử dụng cho các trường hợp có nhu cầu.
Một nghiên cứu cho thấy sau khoảng 2 năm trữ phôi, 12% bệnh nhân có ý muốn cho phôi để sử dụng cho người khác. Sau 5 năm, con số này là vào khoảng 18%. Do đó, số phôi có được có thể không đáp ứng đủ nhu cầu của bệnh nhân. Nhằm giải quyết tình trạng trên, phôi dùng trong kỹ thuật cho - nhận phôi còn có thể được tạo ra từ trứng và tinh trùng của người cho (donated oocytes/sperm).
Lợi ích
Một trong những lợi điểm của kỹ thuật cho - nhận phôi là chi phí điều trị thấp, tỷ lệ thành công lại tương đối cao. Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ thai lâm sàng từ các chu kỳ cho - nhận phôi vào khoảng 25 - 35%. Bên cạnh đó, chi phí cho một chu kỳ cho - nhận phôi có thể chỉ xấp xỉ bằng chi phí của một chu kỳ chuyển phôi trữ tại Bệnh viện Phụ Sản Từ Dũ là vào khoảng 2 - 3 triệu đồng.
Một số ý kiến cho rằng đối với những trường hợp có nhu cầu cho - nhận phôi, giải pháp có thể lựa chọn là xin con nuôi. Tuy nhiên, đây là một vấn đề nhạy cảm và khá phức tạp, đặc biệt là về mặt pháp lý. Ngoài ra, một lợi điểm quan trọng, có ý nghĩa về mặt nhân văn và pháp lý là kỹ thuật cho - nhận phôi, cho phép người mẹ mang thai và sinh ra đứa trẻ.
Nhu cầu của kỹ thuật cho - nhận phôi
Người ta thấy rằng nhu cầu được nhận phôi không nhiều ở các nước phương Tây. Tuy nhiên, trong một xã hội mang nặng truyền thống Á Đông như Việt Nam, việc không thể có con là một áp lực rất lớn cho các cặp vợ chồng, không chỉ ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình mà còn tác động không ít đến sự phát triển của xã hội. Đặc biệt trong điều kiện kinh tế vẫn còn là gánh nặng cho nhiều gia đình và việc xin con nuôi còn chưa phổ biến, kỹ thuật cho - nhận phôi sẽ là sự chọn lựa phù hợp của các cặp vợ chồng. Do đó, có thể trong tương lai, số cặp vợ chồng có nhu cầu được điều trị bằng kỹ thuật cho - nhận phôi sẽ rất được quan tâm.
Một số vấn đề cần quan tâm
Như đã đề cập, cho - nhận phôi đã được áp dụng thành công trên thế giới từ năm 1983. Đến nay, nó đã trở thành một phần của các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản được áp dụng trên thế giới. Tuy nhiên, cần lưu ý đến tính chất phức tạp của kỹ thuật vì có liên quan đến quyền lợi của nhiều phía: 1/ Vợ chồng người cho phôi; 2/ Vợ chồng người nhận phôi và 3/ Đứa bé được sinh ra. Bên cạnh đó, cũng cần đưa ra và làm rõ một số khái niệmnhư cha mẹ về mặt di truyền (genetic parents) và cha mẹ về mặt sinh học (biologic parents), từ đó có những qui định chặt chẽ về quyền lợi cũng như trách nhiệm của các bên liên quan đối với đứa trẻ sau này.
Chú thích ảnh: Tinh trùng xâm nhập vào trứng.
src="images/