CHO - NHẬN TINH TRÙNG
Tác giả : BS. ĐỖ QUANG MINH (Khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Phụ Sản Từ Dũ)
Cho và nhận tinh trùng hay điều trị vô sinh bằng tinh trùng của người cho, là kỹ thuật điều trị vô sinh lâu đời nhất trong lịch sử loài người, cũng được xem là kỹ thuật thành công và được áp dụng nhiều nhất từ trước đến nay. hiện nay kỹ thuật hỗ trợ sinh sản (htss) đã có những bước phát triển nhảy vọt, nhưng điều trị vô sinh bằng cho - nhận tinh trùng (cntt) vẫn có vị trí không thể thay thế. nghị định của chính phủ về “sinh con theo phương pháp khoa học” ban hành tháng 3/2003 đã chính thức thừa nhận tính hợp pháp của kỹ thuật này, đồng thời quy định trách nhiệm và quyền hạn của những người liên quan trong việc thực hiện. tại sao một kỹ thuật đơn giản, hiệu quả như vậy lại cần những quy định pháp lý mới được phép triển khai? hãy cùng điểm lại một vài kinh nghiệm của người đi trước để hiểu thêm về kỹ thuật này.
NGƯỜI NHẬN TINH TRÙNG
Chuyện của bác sĩ Addison Hard
Năm 1884, tại trường Y khoa Jefferson ở Anh, vợ chồng một thương gia được chẩn đoán bị vô sinh do chồng không có tinh trùng. Giáo sư Hard và nhóm sinh viên chúng tôi thống nhất lấy mẫu tinh trùng của một chàng sinh viên “đẹp trai nhất lớp” để cho người vợ của cặp vợ chồng này. Kết quả bà ta đã có thai và sinh ra một bé trai, nhưng chỉ người chồng được cho biết về kỹ thuật điều trị và ông ta yêu cầu giữ kín điều này. Đây là trường hợp CNTT thành công đầu tiên được ghi nhận trong sách vở. Theo một số ý kiến riêng thì kỹ thuật này đã bắt đầu được thực hiện tại Pháp trước cả thời điểm nêu trên. Rõ ràng kỹ thuật CNTT đã có bề dày lịch sử hơn 100 năm, nhưng điều đáng ngạc nhiên là mãi đến năm 1990, vẫn không ai biết được con số cụ thể được CNTT hàng năm, và chắc chắn không ai biết được đã có bao nhiêu trẻ được sinh ra từ kỹ thuật này.
Tại sao phải giữ kín việc điều trị? Rõ ràng cả bác sĩ lẫn bệnh nhân đều cảm nhận được đây không phải là một phương pháp trị liệu bình thường, ảnh hưởng của nó không chỉ trong vài tháng, vài năm mà có thể kéo dài cả nhiều thế hệ. Họ đồng ý “quên đi” nguồn gốc từ bên ngoài của đứa con, cho rằng nếu chuyện lộ ra sẽ ảnh hưởng đến gia đình, đến đứa trẻ. Suốt một thời gian dài, CNTT được thực hiện trong bóng tối, là sự thỏa thuận ngầm giữa gia đình người bệnh và thầy thuốc. Đứa trẻ sinh ra mặc nhiên được xem là người con hợp pháp của cha mẹ nó. Bệnh nhân được giải phóng khỏi mặc cảm hiếm muộn, đứa trẻ không phải bận tâm về nguồn gốc của mình, xã hội yên ổn vì dường như mọi người đều hạnh phúc...; Nhưng có phải tất cả đều thực sự êm xuôi?
CÂU CHUYỆN CỦA NHỮNG ĐỨA BÉ ĐƯỢC TẠO THÀNH TỪ KỸ THUẬT CNTT
Chuyện của Bill Cordray
“Cha dường như luôn xa cách tôi, bởi thế tôi cũng giữ khoảng cách với ông vì nghi ngờ ông không phải là cha ruột của mình. Cuối cùng tôi phải hỏi thẳng mẹ rằng liệu tôi có phải là con ngoài giá thú của mẹ với người khác không, để rồi biết được rằng tôi ra đời qua kỹ thuật CNTT. Nếu biết sớm hơn, tình cảm tôi dành cho cha đã không như vậy. Một lần nọ, tôi nghe giới thiệu về chương trình CNTT trên đài. Người trình bày nói đủ chuyện về độ bảo mật tuyệt hảo của chương trình, rằng không bao giờ có khả năng người cho và đứa bé sinh ra gặp nhau. Tôi thấy nóng mặt, vậy những người như tôi không có ý nghĩa gì cả sao? Nếu tôi muốn tìm lại “cha” của tôi thì ai cấm được”?
Trên thực tế, hầu như toàn bộ các nghiên cứu khảo sát cuộc sống và sự phát triển của những đứa trẻ sinh ra qua CNTT đều cho thấy chúng được đối xử tốt, sống hòa nhập với gia đình. Trường hợp như Bill Cordray tuy ít nhưng không phải hiếm, và hoàn toàn không có quyền được bỏ qua. Các em bé sinh ra từ CNTT vẫn là những con người, có đầy đủ những quyền hợp pháp mà xã hội trao cho. Chúng có quyền được biết chúng từ đâu ra, nếu như chúng thật sự muốn biết.
Chuyện của Eck - Menning
“Phải thú nhận rằng tôi vẫn băn khoăn về huyết thống dù đã có hai đứa con dễ thương qua CNTT. Chắc anh cũng hiểu, cảm giác hụt hẫng khi nghĩ rằng dòng họ mình đến đời tôi là chấm hết. Không, đừng hiểu lầm tôi! Không phải tôi không yêu bọn trẻ. Tôi dám thề rằng tôi sẽ không thể sống thiếu chúng, nhưng nếu có cơ hội có đứa con bằng chính máu thịt của mình thì tốn kém bao nhiêu tôi cũng sẵn lòng!”.
Theo quan niệm chung, con cái đóng vai trò như một chất keo nối kết người chồng và người vợ trong gia đình. Nếu không có con về mặt sinh học thì hai vợ chồng chỉ là hai người lạ sống chung dưới một mái nhà. Với trẻ sinh ra qua CNTT, mối liên hệ giữa chúng và người cha trong gia đình gián tiếp thông qua tình cảm của người cha với người mẹ ruột mang nặng đẻ đau ra chúng. Bởi thế với người cha, đứa trẻ sinh ra từ CNTT luôn có phần thua sút so với đứa trẻ có một phần máu thịt của ông ta. Không ai có khả năng chọn được cha mẹ cho mình, do vậy sẽ là lỗi của chúng ta nếu chọn cho chúng một gia đình khiếm khuyết hoặc bất thường. Một cách tổng quát, quyền lợi của trẻ sinh ra từ CNTT cần được đảm bảo trước khi chúng ra đời, cho phép chúng có một cuộc sống bình thường để phát triển như mọi đứa trẻ khác trong xã hội.
NGƯỜI CHO TINH TRÙNG
Nghiên cứu của Shoysman
“Chúng tôi tin rằng không chỉ không nên cho người cho tinh trùng (TT) biết về người nhận, mà còn không nên cho người cho (TT) biết kết quả của việc điều trị. Nếu người cho (TT) biết rằng trị liệu thành công, tinh trùng của ông ta đã tạo được một đứa trẻ thì có rất nhiều khả năng trong tương lai, người cho muốn tìm lại đứa trẻ ấy. Khả năng ấy càng cao nếu như ông ta không có con, hoặc vì một lý do nào đó đứa con qua đời. Vì vậy, người cho (TT) không nên được cho biết bất kỳ điều gì sau khi cho đi mẫu tinh trùng của mình”. Đây là quan điểm của hầu hết mọi người về người cho tinh trùng, cụ thể là về quyền được biết thông tin của người cho tinh trùng. Quan niệm này đang dần được thay đổi khi có thêm nhiều những khảo sát về người cho. Kết quả nghiên cứu cho thấy người cho thực sự mong muốn biết được thông tin lâu nay vẫn bị giấu kín và có thái độ tích cực trong trường hợp được biết thông tin này.
Có một điều gì đó hơi bất công đối với người cho tinh trùng, vì với người hiến máu hoặc nội tạng, họ sẽ được mọi người tôn vinh, trân trọng. Nhưng chưa ai từng giới thiệu rằng ông Y, ông Z... là người đã đóng góp cho xã hội những đứa trẻ hoàn toàn bình thường bằng cách cho đi tinh trùng của chính mình! Xu hướng hiện nay là chủ động nhìn nhận vấn đề theo cả ba hướng từ người nhận, người cho và đứa trẻ được tạo ra bằng CNTT, nhằm đưa ra những quy định và chính sách để thỏa mãn quyền lợi hợp pháp của cả ba nhóm đối tượng này.
VAI TRÒ CỦA Y TẾ - NGÂN HÀNG TINH TRÙNG
Kỹ thuật CNTT không thể thực hiện được nếu không có vai trò trung gian của nhân viên y tế. Và như trong câu chuyện của Addison Hard, có một thời gian, nhân viên y tế hoặc sinh viên y khoa đã đóng vai trò người cho tinh trùng. Trong y văn cũng ghi nhận một vài bác sĩ đã sử dụng tinh trùng của bản thân để cho tất cả những bệnh nhân đến xin điều trị bằng CNTT nơi phòng khám của ông ta (!).
Mặc dù CNTT được thực hiện từ cuối thế kỷ XIX và tinh trùng có thể được trữ lạnh từ năm 1949, nhưng mãi đến những năm 80 của thế kỷ XX, sự bùng nổ đại dịch AIDS đã đưa vai trò của ngân hàng tinh trùng (NHTT) vào đúng vị trí của nó. Kể từ lúc này, quy trình CNTT chuẩn bao gồm giai đoạn trữ lạnh tinh trùng người cho để xác định độ an toàn trước khi sử dụng cho người nhận có nhu cầu.
NHÀ LÀM LUẬT - SỰ KHÁC BIỆT GIỮA CÁC QUỐC GIA
Đa số mọi người đều xem sử dụng tinh trùng người cho để điều trị vô sinh là chuyện đương nhiên hoặc có thể chấp nhận được. Kỹ thuật này được phép áp dụng có kiểm soát ở hầu hết các quốc gia có sử dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng CNTT là điều không nên làm, thậm chí ở nước Lybie, CNTT hoàn toàn bị cấm. Khó có thể buộc mọi người cùng tin rằng CNTT là việc nên hoặc không nên làm. Với CNTT, đây là một kỹ thuật tương đối đơn giản và an toàn mà không ít người trong xã hội có nhu cầu.
Dựa trên nền tảng đạo đức, tôn giáo cũng như những quan niệm sống khác nhau trong xã hội mà những nhà làm luật của từng nước đã đề ra các luật lệ và hướng dẫn khác nhau cho kỹ thuật CNTT. Sự khác biệt giữa các quốc gia thuộc về đối tượng được nhận tinh trùng, tiêu chuẩn để chọn người cho tinh trùng, nguyên tắc quản lý thông tin cũng như quy định về trách nhiệm và quyền lợi của các bên có liên quan trong quy trình CNTT.
THAY LỜI KẾT
“... Một cặp vợ chồng sống với nhau thật hạnh phúc nhưng lại hiếm muộn con. Sau một thời gian chạy chữa, người ta mới phát hiện ra nguyên nhân do chồng không có tinh trùng. Quan niệm Á Đông lại cho rằng: con trai có được người nối dõi mới là hiếu, gia đình phải có con cái mới là hiền. Thương chồng, người vợ tự mình “liên hệ” để sau cùng có thai và sinh được đứa con trai. Ngoài hai vợ chồng, không ai trong gia đình biết chuyện. Cậu bé được đặt tên là Tự Lực...).
Không cần nói ra, ai cũng biết người vợ đã phải trăn trở, người chồng đã phải nhẫn nhục thế nào để có được đứa con ấy.
Với sự phát triển không ngừng của kỹ thuật HTSS và sự ra đời của Nghị định Chính phủ về “Sinh con theo phương pháp khoa học”, hy vọng những câu chuyện buồn về hiếm muộn con cái mãi mãi sẽ chỉ còn trong dĩ vãng.