TUỔI MÃN KINH & NHỮNG BIỆN PHÁP HỖ TRỢ MỚI
THẾ NGỌC
(The Femme Actuelle)
Nhiều phụ nữ khi đến
tuổi mãn kinh thường gặp những khó khăn trong cuộc sống do việc suy giảm
nồng độ nội tiết tố. Để giảm bớt các khó khăn này, biện pháp điều trị bằng
hormon thay thế thường được áp dụng. Tuy nhiên cũng có nhiều phụ nữ không
thể hoặc không muốn dùng hormon thay thế. Một vài biện pháp sau có thể giúp
hạn chế được một số khó chịu của tuổi mãn kinh.
CƠN BỐC HỎA VỀ ĐÊM
Khoảng 5 năm trước thời kỳ
mãn kinh, có khoảng 75% phụ nữ bị cơn bốc hỏa, ban đầu thỉnh thoảng xuất
hiện và khi đến tuổi mãn kinh thì gặp nhiều hơn. Cơn bốc hỏa thường xuất
hiện về đêm dưới dạng một luồng sóng nóng bừng rồi đột ngột vả mồ hôi ở ngực
và lan dần lên chân tóc.
- Chữa trị:
Ngoài các liệu pháp sử dụng estrogen còn có những loại thuốc khác dưới dạng
viên uống Centralgol, Agréal là các thuốc an thần kinh trung ương và Abufène
là một amino acid. Gần đây còn có thêm một dược phẩm mới được tung ra thị
trường dựa vào tính chất giống estrogen của đậu nành (Phyto-estrogen) như là
chất dinh dưỡng cho tuổi mãn kinh (Phyto-Soja). Chất này khi vào cơ thể sẽ
chuyển hóa trong ruột thành một phân tử gần giống với estrogen.
KHÔ ÂM ĐẠO
Sau tuổi mãn kinh, 25% phụ
nữ thường bị khô âm đạo, thành âm đạo trở nên mỏng manh và không còn trơn
ướt như trước, điều này gây đau đớn và khó khăn trong quan hệ tình dục.
- Chữa trị:
Nhiều thuốc sử dụng tại chỗ được áp dụng, một số dựa vào các dẫn chất
estrogen và chỉ được dùng khi có chỉ định của BS điều trị. Một số khác không
chứa nội tiết tố như Replens hay Mucogyne giúp làm ướt màng nhầy âm đạo. Các
thuốc này được bôi nhiều lần trong tuần vào lúc đi ngủ. Ngoài ra còn có
những chất làm trơn như Try, Sensilube, Premicia được bôi trơn trước khi có
quan hệ tình dục ở đầu âm đạo. Trong các trường hợp âm đạo bị khô nhiều thì
có thể dùng phối hợp một chất làm ướt và một chất bôi trơn và nếu có thể
được, thêm một chất tác dụng tại chỗ có hoạt chất estrogen.
LOÃNG XƯƠNG
Đến tuổi mãn kinh, 45% phụ
nữ thường bị chứng loãng xương. Điều này gây nhiều tai biến gãy xương cho độ
tuổi từ 60 trở lên. Nếu không được điều trị bằng hormon thay thế thì cứ hai
năm nên đi khám và đo tỉ trọng xương để nhận biết độ loãng xương và đề phòng
tai biến gãy xương. Xét nghiệm tỉ trọng xương cần được bổ sung thêm một
bilan tình trạng xương khớp. Tùy theo kết quả, BS sản phụ khoa sẽ đưa ra
phương thức điều trị.
- Chữa trị:
Liệu pháp vitamin D và calcium bổ sung thường được áp dụng. Nếu bị loãng
xương BS sẽ chỉ định những thuốc mới không chứa hormon được gọi là
biphosphonat có thể làm cho xương cứng lại. Nhờ các thuốc này người ta hy
vọng rằng có thể ổn định được xương kể cả giảm bớt sự hao hụt xương và có
thể thu hồi được 2-8% phần chính yếu của xương mất đi.
BẠN CÓ BIẾT?
Ê KÍP KIỂM TRA TUỒI MÃN KINH
Ê kíp kiểm tra tuổi mãn
kinh thường gồm có các chuyên viên trên các lĩnh vực: sản phụ khoa, da liễu,
xương khớp, tĩnh mạch, dinh dưỡng. Đầu tiên các chuyên viên sẽ nghe người
phụ nữ kể về các vấn đề bệnh lý gặp phải liên quan đến tuổi mãn kinh. Tiếp
theo là các xét nghiệm: phết tế bào cổ tử cung, chụp nhũ đồ, siêu âm, đo tỉ
trọng xương và kiểm tra thể trọng. Việc kiểm tra thể trọng cần thiết để xác
định các thành phần khác nhau của cơ thể (lượng mỡ, xương, cơ, lượng nước).
Chú thích: Đo tỉ trọng
xương mỗi hai năm sau tuổi mãn kinh.