HIẾM MUỘN - VÔ SINH
Tác giả : Thạc sĩ, BS. HỒ MẠNH TƯỜNG - Thạc sĩ, BS. VƯƠNG THỊ NGỌC LAN (Khoa Hiếm muộn)
Hiếm muộn được định nghĩa là tình trạng một cặp vợ chồng không thể có thai hoặc không có con sau ít nhất 1 năm giao hợp bình thường, không dùng biện pháp ngừa thai nào. Phụ nữ càng lớn tuổi, đặc biệt là sau 35 tuổi, khả năng có thai sẽ giảm. Hiện nay, người ta có khuynh hướng rút ngắn thời gian chẩn đoán hiếm muộn xuống 6 tháng (thay vì 1 năm) cho những cặp vợ chồng lớn tuổi (trên 35). Do đó, bạn nên đi điều trị sớm nếu có vấn đề về hiếm muộn.
Về tỷ lệ các cặp vợ chồng hiếm muộn
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 8-10% cặp vợ chồng trên thế giới có vấn đề liên quan đến hiếm muộn. Tuy nhiên, tỷ lệ hiếm muộn ở một số quốc gia có thể cao hơn do hoàn cảnh và tập quán sinh sống. Ví dụ ở Pháp, một nghiên cứu ước tính có khoảng 18% số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản có một vấn đề về hiếm muộn. Ở nước ta, theo số liệu điều tra dân số từ những năm 1980, tỷ lệ hiếm muộn có thể trên 10%.
Hiếm muộn là do vợ hay chồng?
Hiếm muộn được xem là một tình trạng bệnh lý của một cặp vợ chồng. Tỷ lệ nguyên nhân hiếm muộn do vợ và chồng là tương đương nhau. Theo nhiều số liệu thống kê, nguyên nhân do vợ thường chiếm khoảng 30-40% trường hợp, nguyên nhân do chồng chiếm khoảng 30%, nguyên nhân do cả vợ và chồng chiếm khoảng 15-30%, và có khoảng 10% trường hợp hiếm muộn không rõ nguyên nhân.
Các nguyên nhân gây hiếm muộn - vô sinh thường gặp
Đối với người vợ, thường có một trong các nguyên nhân sau:
- Tổn thương vòi trứng.
- Không có hiện tượng rụng trứng hay rụng trứng không thường xuyên.
- Lạc nội mạc tử cung.
Đối với người chồng:
- Thường gặp nhất là bất thường về số lượng và chất lượng tinh trùng, chiếm đến trên 90% trường hợp hiếm muộn do nam giới.
Các xét nghiệm thường thực hiện khi khám và điều trị hiếm muộn
Người vợ thường được thực hiện các xét nghiệm sau:
- Siêu âm.
- Xét nghiệm định lượng nội tiết tố: tùy từng xét nghiệm, phải được làm theo đúng ngày nhất định trong chu kỳ kinh nguyệt.
- Chụp X-quang tử cung - vòi trứng (HSG): thường thực hiện sau khi sạch kinh.
- Nội soi chẩn đoán.
Đa số những người chồng đến khám hiếm muộn đều phải được thử tinh dịch đồ (phân tích tinh dịch). Đây là xét nghiệm cơ bản và cần thiết để chẩn đoán và điều trị, cho dù nguyên nhân hiếm muộn là do chồng hay vợ.
Các phương pháp điều trị hiếm muộn hiện nay ở Việt Nam
Hiện nay, việc điều trị hiếm muộn ở Việt Nam phát triển nhanh hơn nhiều so với trước đây. Các phương pháp thường được áp dụng bao gồm:
- Hướng dẫn cách canh thời điểm rụng trứng và giao hợp quanh thời điểm rụng trứng.
- Kích thích buồng trứng bằng thuốc để có trứng rụng (đối với trường hợp không rụng trứng) hoặc làm tăng số trứng rụng (bình thường mỗi tháng chỉ có một trứng) để tăng khả năng có thai.
- Bơm tinh trùng đã lọc, rửa vào buồng tử cung - IUI (còn gọi là thụ tinh nhân tạo), phương pháp này thường kết hợp với dùng thuốc kích thích buồng trứng (thực hiện ở Việt Nam từ năm 1995).
- Thụ tinh trong ống nghiệm - IVF (khác với thụ tinh nhân tạo): Chủ yếu áp dụng cho những người bị tắc hai vòi trứng (từ năm 1997).
- Tiêm tinh trùng vào bào tương trứng - ICSI: Áp dụng cho những người tinh trùng quá yếu và quá ít (từ năm 1998).
- Thụ tinh trong ống nghiệm với trứng người cho - Oocyte donation: Áp dụng cho những phụ nữ không thể có con với trứng của mình (từ năm 1999).
Canh giao hợp quanh ngày rụng trứng
Để tăng khả năng có thai, nhân viên y tế thường xuyên canh và đề nghị các cặp vợ chồng hiếm muộn giao hợp quanh ngày rụng trứng; Vì đó là lúc người phụ nữ dễ có thai nhất. Có nhiều cách xác định thời điểm rụng trứng:
- Nếu chu kỳ kinh thật đều (28 ngày/lần) thì ngày rụng trứng thường là ngày thứ 14 kể từ ngày bắt đầu hành kinh.
- Theo dõi nhiệt độ mỗi sáng từ ngày bắt đầu có kinh. Sau khi rụng trứng, nhiệt độ cơ thể phụ nữ sẽ tăng khoảng 0,50C.
- Thử nước tiểu mỗi 12 giờ khoảng 2 ngày trước thời điểm nghi ngờ rụng trứng. Trứng thường rụng trong vòng 1 ngày sau khi test dương tính.
- Nếu có kích thích buồng trứng, rụng trứng thường xảy ra 36 giờ sau khi tiêm thuốc beta hCG (Pregnyl, Profasi).
Tinh trùng có thể sống được trong cơ thể người phụ nữ sau 3-4 ngày, trong khi trứng chỉ có khả năng thụ thai trong vòng 24 giờ sau khi rụng trứng. Do đó, nên giao hợp cách ngày một lần, từ 3-4 ngày trước thời điểm nghi ngờ rụng trứng cho đến 1-2 ngày sau khi xác định có rụng trứng.
Kích thích buồng trứng:
Điều trị cho những phụ nữ có vấn đề rối loạn phóng noãn.
Các thuốc kích thích buồng trứng (KTBT) thường được sử dụng:
THUỐC KTBT | ĐƯỜNG DÙNG |
1. Anti - estrogen - Clomiphene citrate 2. Aromatase inhibitor - Letrozole - Anastrozole 3. Gonadotrophins - hMG - FSH - FSH tái tổ hợp | uống uống uống tiêm bắp tiêm bắp tiêm dưới da |
- Trong quá trình sử dụng thuốc kích thích buồng trứng, cần theo dõi sự phát triển nang noãn buồng trứng bằng siêu âm đầu dò âm đạo và định lượng nội tiết tố trong máu.
- Khi nang noãn buồng trứng đủ lớn, trưởng thành và rụng trứng, bệnh nhân có thể được hướng dẫn giao hợp hay bơm tinh trùng vào buồng tử cung.
Điều trị hiếm muộn có an toàn không?
Nói chung, việc điều trị hiếm muộn tương đối an toàn, ít gây biến chứng nặng. Biến chứng thường gặp nhất là “Quá kích buồng trứng” sau khi dùng thuốc kích thích buồng trứng. Ngoài ra, có thể có một số biến chứng khác ít gặp như chảy máu (khi chọc hút trứng) hoặc nhiễm trùng.
Quá kích buồng trứng là gì?
Quá kích buồng trứng là tình trạng đáp ứng quá mức của buồng trứng với các thuốc kích thích buồng trứng. Trong quá kích buồng trứng, hai buồng trứng thường lớn lên nhiều, kèm với có dịch trong bụng do tình trạng tăng thoát mạch. Khi bị quá kích buồng trứng người phụ nữ có thể thấy bụng căng đau, kèm với buồn nôn, nôn, đôi khi có tiêu chảy. Hầu hết các trường hợp này đều tự khỏi hoàn toàn sau 2-3 tuần, không cần phải nhập viện. Một số ít trường hợp nặng (khoảng 1%) cần phải nhập viện điều trị.
Đa thai
Đa thai là trường hợp có nhiều hơn một thai trong tử cung, thường gặp trong những trường hợp điều trị hiếm muộn có sử dụng thuốc kích thích buồng trứng. Bình thường trên 80% phụ nữ có thai sau điều trị hiếm muộn chỉ có một thai, khoảng 20% sẽ có đa thai (chủ yếu là song thai).
- Với thụ tinh trong ống nghiệm, theo nhiều thống kê trên thế giới, có khoảng 20-30% phụ nữ có thai sẽ có đa thai, trong đó khoảng 20-25% song thai và dưới 5% có 3-4 thai. Tỷ lệ này cũng phù hợp với tỷ lệ đa thai hiện tại ở Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ (theo số liệu năm 1999). Từ đầu năm 2001, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ đã thực hiện kỹ thuật giảm thai cho các trường hợp đa thai nhằm cải thiện kết quả sản khoa ở các thai kỳ này.
Sử dụng thuốc kích thích buồng trứng có làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng không?
Cho đến nay chưa có nghiên cứu dịch tễ nào cho thấy thuốc kích thích buồng trứng có liên quan đến ung thư buồng trứng.
Tuy nhiên, người ta thấy rằng phụ nữ bị hiếm muộn - vô sinh có nguy cơ ung thư buồng trứng cao hơn phụ nữ không bị hiếm muộn - vô sinh. Khi có thai, nguy cơ ung thư buồng trứng sẽ giảm còn 25%.
Sẩy thai
Tỷ lệ sẩy thai ở các thai kỳ điều trị hiếm muộn vào khoảng 20-30%, cao hơn các thai kỳ bình thường. Lý do chưa được hiểu rõ nhưng có lẽ có sự liên quan giữa sẩy thai và các bệnh nhân điều trị lớn tuổi. Các phụ nữ lớn tuổi thường có tỷ lệ bất thường nhiễm sắc thể của trứng cao hơn, do đó dễ sẩy thai hơn. Cần khám và theo dõi thai thường xuyên và cẩn thận đối với những thai kỳ sau điều trị hiếm muộn.
Các em bé sinh ra do điều trị hiếm muộn có hay bị dị tật không?
Các nghiên cứu trên thế giới đều cho thấy tỷ lệ dị tật ở các bé sinh ra do điều trị hiếm muộn tương đương với các em sinh ra bình thường, và tỷ lệ này vào khoảng 1%. Nghiên cứu tại BV. Từ Dũ thực hiện năm 2002 trên các em bé sinh ra từ thụ tinh trong ống nghiệm, cho thấy các bé phát triển bình thường về thể chất và tâm thần vận động.
Chú thích ảnh: Thụ tinh nhân tạo mang lại niềm hy vọng cho những cặp vợ chồng hiếm muộn.