THÀNH CÔNG TỪ CA CHO TRỨNG ĐẦU TIÊN Ở VIỆT NAM
- MỘT TRIỂN VỌNG MỚI CHO NGƯỜI VÔ SINH
Bài, ảnh: KIM SƠN
Ngày 24 tháng Chạp -
giữa lúc mọi người đang hối hả chuẩn bị đón Tết Canh Thìn, thì tại Bệnh viện
Từ Dũ, cả thầy thuốc trong chương trình Thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON)
lẫn sản phụ - chị B.T.L.H đều vui mừng với thành quả từ ca cho trứng đầu
tiên tại Việt Nam: đêm 29/1/2000, một bé trai xinh xắn, nặng 2,6kg đã chào
đời. Tìm đến phòng số 1.10 khu E1, tình cờ tôi gặp cả người đã cho trứng:
Chị N.T.P 35 tuổi - em dâu (tức vợ của em trai chị B.T.L.H) đang giúp chị
B.T.L.H chăm sóc cháu bé.
Hạnh phúc tràn ngập
trong mắt chị khi ngắm nhìn con. Chị B.T.L.H tâm sự: "Tôi hy vọng có thêm
nhiều phụ nữ rơi vào hoàn cảnh như tôi sẽ có được hạnh phúc này. Đó là điều
kỳ diệu mà khoa học, các bác sĩ ở đây đã đem lại cho gia đình tôi.".
Chị B.T.L.H 40 tuổi, ngụ
tại ấp Trung Mỹ Tây, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn. Lập gia đình năm 1987, năm
1989 có thai một lần nhưng thai chết lưu ở 3 tháng tuổi. Đến năm 1993 thì
chị bị u nang buồng trứng phải mổ. Sau mổ, bắt đầu có triệu chứng vô kinh và
chị đã đi chữa vô sinh ở nhiều nơi. Các phác đồ được bác sĩ cho là: sử dụng
nội tiết để tạo vòng kinh nhân tạo và kích thích buồng trứng.
Mãi đến tháng 7/1998, qua
kết quả xét nghiệm nội tiết tại Bệnh viện Từ Dũ cho thấy FSH 42 mIU/ml: xác
định chị bị suy buồng trứng sớm, một dấu hiệu mãn kinh chắc chắn. Còn xét
nghiệm tinh dịch đồ của chồng cho thấy mật độ tinh trùng là 250 triệu/ml,
với tỷ lệ di động có tiến tới là 40%. Vì vậy, chỉ có cách: xin trứng của một
người phụ nữ khác để làm TTTON. Đó là chuyện "rắc rối" vì từ khi bệnh viện
Từ
Dũ triển khai TTTON vào tháng 8/1997 đến thời điểm này, việc cho và nhận trứng
chưa được đặt ra.
Chị B.T.L.H đã viết thư
gửi Bộ Y tế, bày tỏ nguyện vọng tha thiết của mình. Và ngày 25/9/1998 Bộ Y
tế đã có công văn cho phép Bệnh viện Từ Dũ tiến hành trường hợp cho
trứng đầu tiên.
BS. Nguyễn Thị Ngọc
Phượng cho biết: - Thường thì tử cung của người mãn kinh sẽ "chai" hơn tử
cung của người còn trẻ, và càng khó trong trường hợp này vì đã mãn kinh sớm
gần 10 năm.
BS. Vương Thị Ngọc Lan -
người trực tiếp thực hiện - phân tích: Về chuyên môn khó ở chỗ: do chu kỳ
kinh khác nhau ở hai bà, nên phải "canh" làm sao để đồng bộ khi thời điểm
cho trứng ở người cho phù hợp với thời điểm nhận trứng của niêm mạc tử cung
người nhận. Và toàn bộ nội tiết dưỡng thai là nhân tạo, được đưa từ bên
ngoài vào. Ngay cả ở Singapore - chương trình xin trứng cũng không phát
triển nhiều do tỷ lệ thành công không cao.
Ở ca cho trứng đầu
tiên này, bệnh nhân được chuẩn bị như thế nào?
- Chuẩn bị người cho
trứng: Chị N.T.P được làm các xét nghiệm nội tiết sinh sản: Kết quả nằm
trong giới hạn bình thường. Chị được kích thích buồng trứng với phác đồ dài;
kích thích rụng trứng với hCG. Qua siêu âm theo dõi thấy 8 nang kích thước >
14mm ở hai buồng trứng. Tiến hành chọc hút trứng.
- Chuẩn bị người nhận trứng: Bệnh nhân bắt đầu sử dụng estradiol
từ ngày bắt đầu kích thích buồng trứng ở người cho trứng. Khảo sát nội mạc
tử cung người nhận trứng vào ngày tiêm hCG ở người cho trứng - ghi nhận độ
dày 9,4mm.
Khoảng cửa sổ cho chuyển
phôi - là khoảng thời gian duy nhất có thể thực hiện chuyển phôi để phôi có
thể làm tổ trong tử cung người nhận sau đó. Trong sinh lý thụ thai bình
thường, sự phát triển của trứng, phôi và nội mạc tử cung là đồng bộ và thống
nhất do tác động của nội tiết trong cơ thể.
Còn ở trường hợp cho
trứng, 3 quá trình: (1) Sự phát triển trứng trong cơ thể người cho trứng,
(2) Sự phát triển của phôi invitro và (3) Sự phát triển của nội mạc tử cung
người nhận dưới tác động của các nội tiết tố ngoại sinh là hoàn toàn độc
lập. Vấn đề quan trọng là làm sao tạo được khoảng cửa sổ cho chuyển phôi
thích hợp với thời điểm phát triển của phôi. Nên có thể nói: Chuẩn bị nội
mạc tử cung người nhận là khâu quyết định thành công của kỹ thuật cho trứng.
Vào ngày 29/5/1999 đã
chọc hút được 7 trứng. Trứng sau khi chọc hút được TTTON với tinh trùng của
chồng người nhận (ngày 0). Kiểm tra thụ tinh vào ngày thứ nhất, thấy có 6
trứng được thụ tinh. Ngày 31/5/1999 phôi được chuyển vào buồng tử cung nguời
nhận, trong đó có 2 phôi chất lượng tốt. Bệnh nhân nằm nghỉ tại viện trong 6
giờ, sau đó về nhà.
Ngày 14/6/1999 (16 ngày
sau thụ tinh), đã tiến hành thử thai bằng định lượng b -hCG huyết tương, cho thấy kết quả dương tính rõ với
nồng độ b -hCG huyết tương là 936 mIU/ml. Kết
quả siêu âm ngày 10/7/1999 (ngày 40 sau thụ tinh) thấy một thai sống trong
tử cung khoảng 7 tuần. Một tính hiệu vui thật sự - và cho đến ngày sản phụ
sinh nở "mẹ tròn con vuông" - đã mở ra một triển vọng mới cho chương trình
TTTON.
Về nhu cầu xin trứng
có nhiều không?
Chương trình TTTON tại
Bệnh viện Từ Dũ bắt đầu từ năm 1997, nên số bệnh nhân lớn tuổi chiếm tỷ lệ
khá cao, buồng trứng đã bắt đầu suy yếu hoặc đã vào giai đoạn tiền mãn kinh
và quanh mãn kinh, "kho" đã cạn nên rất ít trứng, nhiều trường hợp muốn làm
TTTON nhưng kết quả chỉ dưới 3 nang trứng trưởng thành nên không tiến hành
được. Vì vậy thành công này đã mở ra một triển vọng cho những bệnh nhân bị
suy buồng trứng sớm, mãn kinh sinh lý và buồng trứng đáp ứng kém với kích
thích. Ở người cho trứng, tuổi tối đa không quá 35. Còn ở người nhận trứng?
Theo một báo cáo ở Mỹ năm 1997, người lớn tuổi nhất có thai sau khi nhận
trứng là ở tuổi. 63!
Thành công này cũng mở ra
khả năng triển khai chương trình mang thai hộ - tạo cơ hội có con cho các
phụ nữ không còn tử cung hoặc tử cung không có khả năng mang thai. Về mặt kỹ
thuật, mang thai hộ hoàn toàn tương tự chương trình cho trứng. Chỉ khác ở
chỗ, ai sẽ là mẹ đứa bé sau khi sinh. Trong trường hợp "cho trứng" đó là
người mang thai. Còn trong trường hợp "mang thai hộ" đó là người cung cấp
trứng. Tuy nhiên, muốn triển khai cần được sự hỗ trợ bằng các quy định pháp
luật chặt chẽ như tại nhiều nước trên thế giới - để tránh những phức tạp về
mặt xã hội và luật pháp có thể xảy ra.
Bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan
cũng cho biết, trong một lần làm việc với bệnh viện, GS-TS. Phạm Mạnh Hùng -
Thứ trưởng Bộ Y tế đã bàn về vấn đề miễn dịch trong các trường hợp cho
trứng: Nghiên cứu về HLA giữa người cho trứng và người nhận trứng để tăng tỷ
lệ thành công. Thế giới đang nghiên cứu nhưng chưa có kết quả. Đây cũng là
vấn đề đặt ra cho các thầy thuốc chúng ta.