Phụ nữ đa tình dễ bị ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung chiếm hàng đầu trong các bệnh ung thư sinh dục nữ, thường gặp ở lứa tuổi 36-50, hiếm gặp ở phụ nữ trẻ, nhất là các trinh nữ. Nguy cơ mắc bệnh thường cao hơn ở những người có nhiều bạn tình.
Nguyên nhân trực tiếp của ung thư cổ tử cung đến nay vẫn chưa rõ. Tuy nhiên, đã có những bằng chứng thuyết phục về các yếu tố nguy cơ: bệnh xuất hiện nhiều hơn ở phụ nữ đã có chồng, đặc biệt là người lấy chồng sớm, quan hệ tình dục sớm, có nhiều bạn tình hoặc chồng có quan hệ tình dục với nhiều người. Phụ nữ đẻ nhiều lần, có mức thu nhập thấp, nhiễm virus sinh dục sớm hoặc nghiện thuốc lá... cũng dễ mắc bệnh hơn so với người bình thường.
Trong giai đoạn đầu, bệnh nhân ra khí hư hoặc máu bất thường ở âm đạo, kinh nguyệt kéo dài, dai dẳng, ra máu sau khi giao hợp hoặc khí hư có lẫn máu, mùi hôi. Ở giai đoạn muộn, khí hư có máu nhiều hơn và rất hôi. Người bệnh đau bụng, có thể sờ thấy u ở bụng, một số trường hợp suy thận khi u chèn ép niệu quản. Hãn hữu có trường hợp phân và nước tiểu đi qua đường âm đạo do u xâm lấn làm thủng bàng quang, trực tràng, phải đi cấp cứu.
Khi khám bệnh, có thể phát hiện bằng mắt thường những biến đổi bất thường của cổ tử cung: màu sắc, chảy máu, loét hoặc u sùi... Tuy nhiên, để biết chắc, phải xét nghiệm tế bào học và mô bệnh học.
Ung thư cổ tử cung thường diễn biến qua nhiều năm, kể từ khi phát triển tại chỗ đến khi có dấu hiệu để bệnh nhân đi khám. Khi bệnh đã rõ thì ung thư tiến triển nhanh, lan rộng trực tiếp vào âm đạo và di căn tới những cơ quan khác như đường bạch huyết, gan, tụy, phổi, não..
Về điều trị, ở giai đoạn sớm, có thể khoét chóp cổ tử cung lấy hết tổn thương và theo dõi, nếu còn tổn thương sẽ cắt toàn bộ tử cung. Ở giai đoạn muộn thì phải cắt bỏ tử cung, kết hợp điều trị bằng tia xạ, dùng hóa chất phối hợp... Để phòng bệnh, cần hạn chế tối đa các nguy cơ gây bệnh nêu trên, sàng lọc phát hiện ung thư sớm cổ tử cung qua khám phụ khoa và làm phiến đồ âm đạo.
Tỷ lệ chữa khỏi ung thư cổ tử cung ở giai đoạn sớm là 90%. Nếu phải cắt bỏ tử cung toàn phần cũng không ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và quan hệ tình dục.
BS Nguyễn Phương, Sức Khỏe & Đời Sống