Hiện tượng đa thai trong thụ tinh trong ống nghiệm
Trong tổng số 1.000 ca thụ tinh trong ống nghiệm (TTTÔN) được thực hiện tại Bệnh viện Từ Dũ TP HCM, tỷ lệ đa thai là 12%. Đối với một số cặp vợ chồng hiếm muộn, được 2 đứa con cùng một lúc là niềm hạnh phúc được nhân đôi. Nhưng nếu con số này là ba hay tư thì nhiều khi nỗi lo lại nhân lên gấp bội.
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ giải thích hiện tượng đa thai này như sau: "Hiện nay, thế giới chấp nhận tỷ lệ đa thai trong TTTÔN là 20%. Bệnh viện Từ Dũ cũng tuân thủ quy định chung của các nước là chuyển 3 phôi/ca để hy vọng đạt được 1 phôi. Điều cần lưu ý là đa số phụ nữ đến thực hiện TTTÔN đều đã qua nhiều năm hiếm muộn nên tuổi tương đối lớn, hầu hết trên 35 tuổi, chất lượng phôi thường không tốt. Do vậy, chúng tôi không dám chuyển ít phôi hơn. Trong thực tế, có những người chỉ có 1-2 phôi đạt yêu cầu nên đành chỉ chuyển 1-2 phôi. Còn những trường hợp đạt đủ 3 phôi, chúng tôi chuyển cả 3.
Theo thống kê ở các nước, tỷ lệ có thai khi chuyển 1 phôi là 12%, chuyển 2 phôi là dưới 20%. Khi thực hiện một ca TTTÔN, bệnh nhân lại tốn kém tới 25-30 triệu đồng. Nếu tỷ lệ đậu thai thấp, nhiều người sẽ không có khả năng làm lại lần thứ hai. Vì vậy chúng tôi chuyển 3 phôi để nâng tỷ lệ có thai lên trên 30%. Thế nhưng, khi chuyển 3 phôi, có trường hợp thai phụ không chỉ có 1 thai mà có khi có 2 hoặc 3 thai, thậm chí 4 thai vì có 1 phôi chia đôi. Đó là điều ngoài ý muốn".
Đa thai và tình trạng đẻ non
Với những trường hợp đa thai, bệnh viện giải thích cặn kẽ và khuyên các bà mẹ nên nghỉ ngơi và dưỡng thai tốt. Trong phần lớn các trường hợp mang thai từ phương pháp TTTÔN tại bệnh viện, các bác sĩ mổ lấy thai khi thai nhi đủ 36 tuần và các cháu sinh ra đều khỏe mạnh. Tuy nhiên, có 3 trường hợp đẻ non (1 ca sinh ba và 1 ca sinh tư). Nguyên nhân là do sản phụ vỡ ối sớm, từ 30-31 tuần, buộc phải mổ lấy thai sớm, nếu không, thai nhi có thể bị nhiễm trùng và tính mạng người mẹ thì bị đe doạ vì nguy cơ nhiễm trùng huyết. Trẻ đẻ non thường có một số bệnh lý như bệnh võng mạc, bệnh về tai, chậm phát triển tâm lý… Hiện tại, vào các sáng thứ năm hằng tuần, bệnh viện vẫn tiến hành đo thính lực cho các cháu đẻ non để phát hiện và điều trị sớm bệnh về tai cho trẻ đẻ non.
Theo bác sĩ Phượng, ở Bệnh viện Từ Dũ, đa số trẻ đẻ non là do các bà mẹ có tử cung dị dạng, cổ tử cung hở, vỡ ối non hoặc đa thai. Trong trường hợp đa thai, buồng tử cung trở nên quá chật chội, dẫn đến đẻ non.
Hạn chế đa thai
Trong tổng số các ca TTTÔN đã thực hiện tại Từ Dũ, có 250 ca đã có thai, với 20 ca sinh đôi, 6 ca sinh ba và 4 ca sinh tư. Hiện Bệnh viện đang nghiên cứu để hạn chế các trường hợp sinh ba trở lên. Đối với những trường hợp TTTÔN trong năm 2001, bệnh viện đã thực hiện kỹ thuật hút bớt thai. Tuy nhiên, theo bác sĩ Phượng, điều này có thể ảnh hưởng đến các thai còn lại. Trước khi hút bớt thai, các bác sĩ đều giải thích rõ và xin ý kiến các thai phụ và gia đình. Với các bà mẹ vẫn muốn đẻ sinh ba, bệnh viện sẽ cố gắng hướng dẫn và giúp đỡ họ dưỡng thai một cách tốt nhất để hạn chế đẻ non.
Sài Gòn Giải Phóng, 17/3