Không cần nằm nghỉ quá lâu sau khi chuyển phôi
Một ca chuyển phôi. |
Trước đây, sau khi chuyển phôi tại các trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm, nữ bệnh nhân thường được khuyên nằm bất động lâu ngày để tránh trào ngược phôi ra ngoài và tăng khả năng làm tổ của nó. Hiện nay, các chuyên gia cho rằng điều này là không cần thiết.
Chuyển phôi là một giai đoạn quan trọng trong quy trình thực hiện
thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON). Khoảng 90% bệnh nhân được thực
hiện TTTON đến được giai đoạn chuyển phôi. Tuy nhiên, chỉ có khoảng
30% có phôi làm tổ vào buồng tử cung và mang thai. Nguyên nhân vì
sao 2/3 số bệnh nhân không đạt kết quả này hiện vẫn chưa được làm
rõ. Nhiều nghiên cứu đã được tiến hành nhằm khảo sát các yếu tố có
thể ảnh hưởng đến quy trình chuyển phôi như: tư thế bệnh nhân, môi
trường chuyển cùng với phôi vào buồng tử cung, số lượng phôi
chuyển... Trong đó, nằm nghỉ sau chuyển phôi cũng là vấn đề rất được
nhiều người quan tâm.
Thụ tinh trong ống nghiệm trên người đã
được tiến hành và thành công từ hơn 20 năm. Đến nay, nhiều công đoạn
trong qui trình thực hiện TTTON (trừ thời gian nằm nghỉ sau chuyển
phôi) đã được cải tiến nhằm không ngừng nâng cao tỷ lệ thành công.
Trong các phác đồ TTTON cũ, mặc dù chưa có một chứng cứ khoa học nào
nhưng hầu hết các trung tâm khuyên bệnh nhân nằm nghỉ sau chuyển
phôi từ 15 phút đến 24 giờ. Các bác sĩ cho rằng việc nằm bất động
tại chỗ sau chuyển phôi sẽ tránh được sự trào ngược phôi ra ngoài và
tăng khả năng làm tổ của phôi. Tuy nhiên, với một kỹ thuật chuyển
phôi tốt, việc phôi trào ngược ra ngoài hầu như không xảy ra.
Quá trình làm tổ của phôi phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chủ yếu là
chất lượng phôi chuyển vào buồng tử cung và sự chấp nhận của nội mạc
tử cung. Quá trình này thường xảy ra 4-7 ngày sau thụ tinh (khoảng
2-5 ngày sau chuyển phôi). Do đó, việc nằm tại chỗ lâu sau chuyển
phôi thật sự không có một tác động nào giúp ích cho việc làm tổ của
phôi.
Gần đây, các nhà lâm sàng đã tiến hành một số nghiên
cứu để xem việc nằm nghỉ lâu sau chuyển phôi có ích hay không. Trong
một nghiên cứu của Anh, 180 bệnh nhân TTTON được chia ngẫu nhiên làm
2 nhóm: nhóm 1 nằm tại chỗ sau chuyển phôi 24 giờ; nhóm 2 nằm tại
chỗ sau chuyển phôi 20 phút. Kết quả cho thấy tỷ lệ có thai lâm
sàng, tỷ lệ sẩy thai và đa thai giữa 2 nhóm tương đương nhau. Do đó,
các tác giả cho rằng, việc nằm nghỉ kéo dài sau chuyển phôi không
giúp tăng tỷ lệ làm tổ của phôi và mang thai.
Một nghiên cứu khác được tiến hành trên gần 1.100 bệnh nhân không nằm nghỉ sau chuyển phôi cho thấy, tỷ lệ có thai lâm sàng ở họ không thay đổi so với nhóm đối chứng (có nằm nghỉ).
Tại Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ TP HCM, trước đây, bệnh nhân thường được cho nằm tại chỗ sau chuyển phôi 24 giờ. Hiện nay, với phác đồ mới, bệnh nhân chỉ nằm nghỉ sau chuyển phôi 4 giờ, sau đó được cho về nhà. Nhưng tỷ lệ có thai hiện nay lại tăng so với trước kia rất nhiều. Như vậy, khả năng làm tổ của phôi và mang thai trong TTTON không phụ thuộc vào thời gian nằm nghỉ sau chuyển phôi.
Hiện tại, ở hầu hết các trung tâm TTTON trên thế giới, bệnh nhân thường chỉ nằm nghỉ một thời gian ngắn sau chuyển phôi, sau đó có thể đi lại, sinh hoạt bình thường. Hơn nữa, để một chu kỳ TTTON thành công, ngoài những yếu tố về kỹ thuật do các bác sĩ đảm nhiệm, yếu tố tinh thần của bệnh nhân cũng đóng vai trò hết sức quan trọng. Việc sinh hoạt bình thường, ăn uống, nghỉ ngơi điều độ sẽ tạo tâm lý thoải mái, giúp giảm stress cho bệnh nhân và có thể ảnh hưởng tốt đến khả năng mang thai.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)