Bệnh sa thành âm đạo
Bệnh này thường xuất hiện do những áp lực của việc sinh nở hoặc điều kiện chăm sóc, vệ sinh sau đẻ kém. Luyện tập nhóm cơ đáy chậu là một trong những cách khắc phục khá hiệu quả.
Âm đạo là cơ quan có khả năng co giãn nhiều nhất vì có thể để cho đầu thai nhi lọt qua khi sinh đẻ; trong khi bình thường nó vốn xẹp, thành trước và thành sau gần như tiếp xúc với nhau. Bệnh sa âm đạo chắc chắn có vai trò của di truyền nhưng cũng có thể do điều kiện dinh dưỡng và nhiễm khuẩn. Với tuổi tác, sự bài tiết oestrogen giảm, mô âm đạo mỏng đi, sự bài tiết chất nhờn cũng giảm và dẫn đến sự kém giãn nở của âm đạo. Hoạt động tình dục và sinh đẻ cũng ảnh hưởng đến trương lực cơ của cơ quan sinh dục, dẫn đến sa thành âm đạo.
Có thể phòng tránh và làm giảm tình trạng sa thành âm đạo, tử cung, bàng quang (gọi chung là sa sinh dục) bằng cách luyện tập để tăng sức mạnh cho nhóm cơ đáy chậu. Phương pháp này do bác sĩ Alfred Kegel đề ra trong thập niên 1940, lúc đầu để chữa hay cải thiện chứng tiểu không tự chủ. Sau đó, ông phát hiện bài tập này có tác dụng phòng ngừa sa sinh dục và chữa xuất tinh sớm (cần phối hợp với các phương pháp khác).
Khi đang đi tiểu, nếu cố ý dừng lại (không dùng tay) nghĩa là bạn đã tác động đến những cơ ở sàn chậu. Phương pháp Kegel chính giúp luyện tập cho nhóm cơ này. Để kiểm tra có đúng nhóm cơ sàn chậu không, có thể cho ngón tay (rửa sạch) vào âm đạo, bạn sẽ cảm thấy ngón tay bị bóp lại khi tác động đến nhóm cơ. Mỗi ngày tập nhiều lần (5-10 lần), mỗi lần 20 động tác co thắt. Tổng số động tác mỗi ngày có thể đến 200 lần. Cần tập 8-10 tuần mới nhận thấy có sự cải thiện.
Trong vài thập niên vừa qua, phương pháp Kegel đã được nhiều người luyện tập và được cho là có tác dụng tốt. Với bài tập trên, nhiều người bị chứng tiểu không tự chủ đã có thể kiềm giữ được lâu hơn (trên 10 phút). Nguy cơ sa sinh dục cũng giảm.
BS Đào Xuân Dũng, Sức Khỏe & Đời Sống