NHỮNG NGƯỜI NÀO DỄ MẰC UNG THƯ CỔ TỬ CUNG
VÀ UNG THƯ VÚ
?
BS. PHÓ ĐỨC NHUẬN
Viện BVBM TSS Hà Nội
Ung thư vú và ung thư cổ tử cung ở nước ta cũng như nhiều nước khác trên
thế giới là hai trong các loại ung thư đứng hàng đầu mà người phụ nữ có thể
mắc phải.
Cũng như các loại ung thư khác, nguyên nhân cụ thể gây bệnh đối với hai
loại ung thư này chưa được biết rõ nhưng những yếu tố nguy cơ có thể tạo
điều kiện cho ung thư phát triển, qua các nghiên cứu thống kê đã cho thấy
như sau:
- Ung thư cổ tử cung
Lứa tuổi mắc ung thư cổ tử cung thường gặp là trung niên. Tuổi trung bình
hay gặp ung thư này là từ 48 đến 52 . Phụ nữ có các yếu tố sau đây được coi
là những nguy cơ có khả năng dễ mắc bệnh:
+ Những người phải sống trong điều kiện kinh tế - xã hội thấp kém: nghèo
túng, sống nơi chật chội, ô nhiễm, thiếu vệ sinh; những người ít hiểu biết,
trình độ văn hóa thấp.
+ Những phụ nữ có quan hệ tình dục sớm.
+ Những người có quan hệ tình dục với nhiều bạn tình hoặc người chồng có
nhiều bạn tình.
+ Những người sinh đẻ nhiều lần.
Đối lập với những người nói trên, người ta thấy ung thư cổ tử cung ít gặp
ở những phụ nữ sống độc thân, không sinh đẻ, các nữ tu hành... không có hoạt
động tình dục.
Để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung, người phụ nữ từ tuổi sinh đẻ trở đi
nên đi khám phụ khoa định kỳ cứ 6 tháng hoặc một năm một lần. Với những phụ
nữ đã có các "tổn thương nghi ngờ", cần theo đúng chỉ dẫn của thầy thuốc
chuyên khoa về theo dõi, điều trị và đến khám lại. Ung thư cổ tử cung nếu
được phát hiện kịp thời hoàn toàn có thể điều trị khỏi.
- Ung thư vú
Có thể nói đây là bệnh của giới phụ nữ. Đàn ông tuy có thể mắc nhưng rất
hiếm (khoảng 100 phụ nữ bị ung thư vú mới có một người đàn ông mắc bệnh
này).
+ Lứa tuổi hay gặp là từ ngoài 30 trở lên và đặc biệt tăng lên trong giai
đoạn sau mãn kinh.
+ Về mặt chủng tộc, người ta thấy ở phụ nữ Tây Âu và Bắc Mỹ có tỷ lệ ung
thư vú cao gấp 10 lần so với phụ nữ Nhật Bản và phụ nữ Mỹ La tinh. Ở Mỹ
người da đen, tỷ lệ mắc ung thư cao hơn người da trắng.
+ Về mặt kinh tế - xã hội, khác với ung thư cổ tử cung, ung thư vú gặp
nhiều hơn ở phụ nữ có vị trí cao trong xã hội và có kinh tế khá. Có thể do ở
trong điều kiện đó có những mối liên quan đến các yếu tố nguy cơ về sinh sản
và dinh dưỡng.
+ Phụ nữ sống đơn độc, không có chồng và không sinh đẻ có tỷ lệ mắc ung
thư vú cao hơn những phụ nữ có chồng và đã qua các kỳ sinh đẻ. Vì thế ung
thư vú có tỷ lệ cao trong nữ tu sĩ.
+ Đặc biệt đối với ung thư vú nổi lên yếu tố di truyền khá rõ rệt. Người
phụ nữ đã có mẹ hoặc chị, em gái bị ung thư vú thì có nguy cơ dễ mắc ung thư
loại này, nhất là khi có bà mẹ đã bị ung thư cả hai bên vú trước thời kỳ mãn
kinh (9 lần cao hơn so với người bình thường).
Để phát hiện sớm ung thư vú, bất cứ người phụ nữ nào cũng nên thường
xuyên tự sờ nắn kiểm tra vú mình. Nếu nắn thấy có u, cục gì trong vú mới
xuất hiện thì dù rất nhỏ cũng cần đi khám ngay tại các khoa phụ sản hoặc các
trung tâm ung bướu để được phát hiện sớm, và khi đó dù có phải là ung thư
thì cũng vẫn có khả năng điều trị khỏi.