VIÊM ÂM HỘ ÂM ĐẠO DO NẤM - MỘT BỆNH THƯỜNG GẶP
Ở PHỤ NỮ
Thạc sĩ. NGUYỄN LAN HƯƠNG
Viêm âm hộ âm đạo do nấm là một bệnh viêm đường sinh dục nữ khá phổ biến.
Bệnh gây nhiều khó chịu cho người phụ nữ và ảnh hưởng không ít đến sức khỏe,
công việc cũng như đời sống tình dục.
Nguyên nhân gây bệnh là một loại nấm hoại sinh ở da và niêm mạc thuộc họ nấm
men, có tên là Candida. Candida có gần 80 loài nhưng chỉ có một số loài có
khả năng gây bệnh, thường gặp nhất là Candida albicans.
Candida có mặt bình thường ở da và niêm mạc. Khi sức đề kháng của cơ thể
giảm như: bị bệnh đái đường, ung thư, nhiễm HIV..., hoặc khi có sự thay đổi
nội tiết như có thai, hoặc dùng kháng sinh phổ rộng kéo dài thì Candida phát
triển mạnh lên và gây bệnh.
Môi
trường thuận lợi cho nấm phát triển là ẩm ướt và có độ pH acide < 5, vì thế
khi mặc quần áo ẩm, chật cũng dễ làm cho người phụ nữ mắc bệnh hơn. Như vậy
thói quen mặc quần áo lót bằng vải dễ thấm, tương đối rộng, khô và sạch cũng
là một biện pháp phòng bệnh có hiệu quả.
Khi
bị viêm âm hộ âm đạo do nấm Candida, biểu hiện đầu tiên là ngứa rát vùng âm
hộ âm đạo rất khó chịu kèm theo bệnh nhân ra khí hư (huyết trắng) như bột,
đặc, từng mảng màu trắng. Khám lâm sàng thấy âm hộ đỏ, khi lau sạch khí hư
thấy niêm mạc âm đạo đỏ, đôi khi rớm máu, bắt màu lugol 3% nhạt. Để khẳng
định chắc chắn bệnh viêm âm hộ âm đạo do nấm, cần xét nghiệm khí hư bằng
phương pháp soi tươi hoặc nuôi cấy để tìm Candida.
Điều trị nấm âm hộ âm đạo từ trước đến nay luôn là một vấn đề khá khó khăn
so với các bệnh viêm âm hộ âm đạo khác, nguyên nhân do nấm phát triển nhanh,
dễ lây và hay tái phát.
Hiện nay, có nhiều loại thuốc chống nấm mới dạng crème bôi, dạng viên đặt và
dạng uống rất có hiệu quả. Đối với trẻ em và thiếu nữ, phương pháp điều trị
hiệu quả nhất là dùng thuốc chống nấm dạng uống ngoài ra có thể kết hợp với
thuốc bôi tại chỗ. Đối với phụ nữ đã có gia đình, phương pháp điều trị là
dùng thuốc chống nấm dạng uống kết hợp với dạng viên đặt âm đạo. Cần điều
trị cho cả người chồng bằng thuốc uống hoặc bôi tại chỗ vì bệnh dễ lây và để
tránh tái phát cho người phụ nữ.
-
Thuốc dạng crème:
+ Canesten (Clotrimazole): tube 10mg, 20mg.
+ Lomexin (Fenticonazole nitrate): tube 5g, 30g.
+ Trosyd (Tioconazole): tube 30g.
Cần
bôi ngoài âm hộ lớp mỏng, ngày 1 - 2 lần.
-
Thuốc dạng viên đặt âm đạo:
+ Mycostatin (Nystatin): viên 100.000 UI.
Đặt mỗi ngày 1 viên trong 10 ngày liên tiếp.
+ Canesten (Clotrimazole): viên 100 mg, 500mg.
Đặt mỗi ngày 1 viên 100mg trong 6 ngày liên tiếp, hoặc liều
duy nhất 1 viên 500mg.
+ Lomexin (Fenticonazole nitrate): viên 200mg, 1.000mg.
Đặt mỗi ngày 1 viên 200mg trong 3 ngày liên tiếp, hoặc liều
duy nhất 1 viên 1000mg (có thể đặt viên thứ 2 sau 3 ngày).
-
Thuốc dạng uống:
+ Diflucan (Fluconazol): viên nang 150mg. Liều duy nhất 1 viên.
+ SPORAL (Itraconazol): viên nang 100g. Liều 2 viên/ngày, uống 3 ngày liên
tiếp. Để đạt sự hấp thu tối đa cần uống Sporal ngay sau khi ăn no, và uống
trọn 2 viên cùng một lúc. Sporal là loại thuốc mà tác dụng phụ ít và dễ hồi
phục, rất có hiệu quả trong điều trị viêm âm hộ âm đạo do nấm. Tỷ lệ khỏi
bệnh khi điều trị bằng Sporal đạt tới 80 - 90%. Vì vậy hiện nay Sporal được
sử dụng khá phổ biến ở các bệnh viện và các cơ sở khám chữa bệnh Sản phụ
khoa.