Các yếu tố dẫn đến sinh non
Trẻ sinh non cần được chăm sóc đặc biệt. |
Sinh non là sinh trước 37 tuần hay 259 ngày mang thai. Tại các nước Đông Nam Á, 25-30% trẻ thuộc trường hợp này. Tuy không phải là nguyên nhân trực tiếp gây tử vong nhưng sinh non đóng vai trò khá quan trọng trong việc gây ra những bệnh nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong.
Định nghĩa sinh non chỉ dựa vào số ngày mang thai chứ không dựa vào cân nặng của trẻ lúc sinh. Nhiều trẻ sinh đủ tháng hoặc già tháng nhưng vẫn có cân nặng dưới 2.500 g và ngược lại.
Trong 10 ca tử vong sơ sinh, có đến 7-8 trẻ non tháng; những trẻ này chết do các biến chứng của sinh non. Vì vậy, việc cải thiện vấn đề chăm sóc trẻ sinh non sẽ góp phần giảm tỷ lệ tử vong sơ sinh. Chi phí phòng ngừa cũng như điều trị trẻ sinh non tương đối cao.
Trong các nguyên nhân dẫn đến sinh non có yếu tố dịch tễ. Đó là
những yếu tố đi kèm theo trẻ sinh non, nhưng không nhất thiết là
nguyên nhân trực tiếp, bao gồm chủng tộc, tuổi, tình trạng kinh tế
xã hội, tình trạng hôn nhân, nghiện thuốc lá và tiền căn sản khoa
(như số lần sinh, số lần sẩy thai và sinh non trước đó, số lần thai
lưu và sơ sinh tử vong trước đó, cũng như tình trạng xuất huyết và
bệnh lý đồng miễn dịch).
Phụ nữ da đen có tỷ lệ sinh non là
19%, cao hơn phụ nữ da trắng (8%). Một nghiên cứu thống kê sản khoa
cho thấy, phụ nữ da màu có tỷ lệ sinh non cao gấp đôi phụ nữ da
trắng. Phụ nữ dưới 15 tuổi có tỷ lệ sinh non cao nhất, trong khi phụ
nữ trong nhóm tuổi 25-29 có tỷ lệ sinh non thấp nhất.
Tác giả
Boldman và Reeds đã ghi nhận, tỷ lệ sinh non gia tăng ở vùng đô thị
có thu nhập thấp, vùng thiếu các phương tiện truyền thông và báo
chí, vùng có tỷ lệ thầy thuốc thấp. Phụ nữ sinh theo chế độ miễn
giảm chi phí có tỷ lệ sinh non cao hơn 67-84% so với người dùng dịch
vụ tư. Theo thống kê của tác giả Baird, vợ của công nhân có tỷ lệ
sinh non cao nhất, vợ của nông dân có tỷ lệ sinh non thấp nhất.
Phần lớn các trường hợp sinh non không tìm thấy nguyên nhân rõ ràng và thường được xem là vô căn. Các trường hợp nghi ngờ hoặc xác định được bao gồm:
- Thầy thuốc chủ động mổ lấy thai sớm và ước tính tuổi thai sai.
- Mẹ có các bệnh lý cấp tính kèm với sốt như viêm đài bể thận, nhiễm virus... có thể gây sinh non. Người ta cho rằng, chất prostaglandins phóng thích ra khi mẹ sốt đã làm tử cung tăng co bóp.
- Các bệnh lý nội tiết ở mẹ như cường giáp, cường phó giáp và cường tuyến thượng thận.
- Mẹ có chấn
thương vùng bụng, quan hệ tình dục vào tháng cuối thai kỳ (khoái cảm
làm tăng co thắt tử cung và tăng tỷ lệ sinh non).
- Các bất
thường di truyền của thai.
- Xuất huyết trước sinh do rau tiền đạo hoặc rau bong non.
Sinh non thường xảy ra vào lần sinh đầu tiên và sau lần sinh thứ tư.
BS Cam Ngọc Phượng, Sức Khoẻ & Đời Sống