NGỪA THAI Ở TUỔI QUANH MÃN KINH
GS-BS. PHAM GIA ĐỨC
BS. PHẠM PHƯƠNG LAN
BV. Hùng Vương
Mỗi lứa tuổi ngừa thai, chẳng hạn ở vị thành niên hoặc quanh mãn kinh (tiền mãn kinh) đều có những đặc điểm riêng cần quan tâm. Ai cũng biết ở tuổi 40 trở lên khả năng có thai giảm đi đáng kể và trên 50 tuổi khả năng này chỉ còn khoảng 20/00 chẳng khác gì nguy cơ vỡ kế hoạch ở người phụ nữ trước 30 tuổi mang vòng tránh thai.
Tuổi quanh mãn kinh ở phụ nữ Việt Nam (43 - 48,7 tuổi) sớm hơn vài năm so với phụ nữ châu Âu, đó là thời gian buồng trứng bắt đầu bị suy thoái, vòng kinh cũng bị xáo trộn không đều, trứng rụng bất thường nên có những vòng kinh không có trứng rụng cho nên có những thời kỳ người phụ nữ mất kinh tưởng như có thai gây tâm lý lo lắng phải đi khám bệnh.
Thực tế cho thấy nhiều bà/chị ở tuổi này đã tự hạn chế hoạt động tình dục hay trở lại dùng các biện pháp tránh thai tự nhiên từ trước. Đây cũng là biện pháp tích cực song vẫn có một số bị mang thai ở tuổi 50, thậm chí có người tới 58 tuổi phải mổ sanh tại Bệnh viện Hùng Vương.
ĐÂC ĐIỂM HOẠT ĐỘNG TUYẾN NỘI TIẾT THỜI KỲ QUANH MÃN KINH
Đa số nếu không muốn nói hầu hết phụ nữ chúng ta trên 40 tuổi đều có những thay đổi chu kỳ kinh nguyệt: rong huyết, mất kinh ít tháng... trước khi đi đến mãn kinh tức là ngưng hẳn chức năng sinh sản và nội tiết.
Từ trục hạ não - tuyến yên đến buồng trứng bị suy giảm dần theo tuổi tác. Trên thực tế không phải sự suy giảm đó tiến triển một cách đều đặn tiệm tiến mà xen kẽ có những chu kỳ kinh nguyệt kéo dài, có khi ra nhiều huyết và vòng kinh phục hồi như cũ có rụng trứng nên vẫn có thể thụ thai được. Dần dần ngày càng có nhiều chu kỳ trong đó bài tiết estrogen buồng trứng không đủ, khiến sự tiết LH của tuyến yên giảm dần, progesteron buồng trứng cũng thiếu hụt nên không đủ để ngăn cản sự phát triển nội mạc tử cung dưới tác dụng của estrogen làm cho nội mạc mất cân đối dễ tróc gây ra huyết nhiều hoặc rong huyết. Đây là đặc điểm xảy ra ở thời kỳ quanh mãn kinh và kéo dài trung bình 5 năm (1 - 9 năm).
ĐÂC ĐIỂM NGỪA THAI VỚI THUỐC UỐNG THỜI KỲ QUANH MÃN KINH
Trong chương trình kế hoạch hóa gia đình, ở nước ta hiện nay, chúng ta đang khuyến cáo phụ nữ nên dùng thuốc uống thay vì dùng vòng như trước đây nên số người dùng thuốc ngừa thai uống tăng lên rõ rệt. Do đó ta cần biết:
- Thuốc uống phổ biến là loại kết hợp vừa có estrogen vừa có progesteron (progestogen).
- Tuổi trên 40, theo thống kê quốc tế, nguy cơ lớn nhất là gia tăng thuyên tắc tĩnh mạch 4 - 5 lần nhất là thuyên tắc mạch máu não 4 - 9 lần, nguy cơ nhồi máu cũng tăng gấp 3 - 4 lần. Đặc biệt là nó không phụ thuộc vào thời gian dùng thuốc, có khi chỉ ít tuần lễ, đặc biệt ở người nghiện thuốc lá (hút > 10 điếu/ ngày).
- Lúc trước người ta cho nguyên nhân đó là do estrogen, rồi sau thấy cả progesteron cũng góp phần đáng kể trong hội chứng thuyên tắc mạch này.
- Sau đó viên thuốc được giảm hàm lượng estrogen dưới dạng vi lượng (< 50 Mg) nhưng đôi lúc vẫn còn xảy ra tai biến trên.
- Nguy cơ đó còn gia tăng theo tuổi (74 tuổi) cho nên người ở giai đoạn quanh mãn kinh phải được theo dõi cẩn thận huyết áp, cân nặng, lipid đồ, triệu chứng nhức đầu, giãn tĩnh mạch, người hút thuốc lá tuy không quan trọng ở nước ta nhưng là chống chỉ định tuyệt đối.
NGỪA THAI BẲNG CÁCH NÀO?
- Đường âm đạo: viên trứng đặt âm đạo, kem thoa âm đạo nhằm diệt tinh trùng nhưng chỉ nên dùng nếu sự giao hợp thưa ở tuổi này, vả lại biện pháp này chưa phổ biến nhiều ở nước ta, có khi nó gây cảm giác khó chịu cho người dùng.
- Đoạn sản nữ: ít được hoan nghênh ở tuổi này dù chỉ là vết mổ nhỏ ở thành bụng, nó lại đòi hỏi phải vào bệnh viện dù thời gian ngắn và phải gây mê.
- Vai trò nam giới: xuất tinh ra ngoài nếu được cả 2 bên nam và nữ chấp nhận vì thực tế nó chẳng ảnh hưởng gì đến tâm lý cả. Đoạn sản nam dù với phương pháp không dùng dao song người bệnh vẫn phải vào bệnh viện và không được nam giới hưởng ứng nên tỷ lệ rất thấp so với các biện pháp khác.
- Các thuốc uống loại progesteron: ở nước ta có exluton (lynestrenol) nhưng chỉ định chính là dùng cho phụ nữ đang cho con bú.
Trên lý thuyết có thể dùng progesteron đơn thuần 3/4 tuần trong tháng, nó có tác dụng chống gonadotropin của tuyến yên nhất là người bị thiểu năng tuyến vàng. Trở ngại chính đôi khi nó có thể gây tăng cân, vô kinh hoặc rong kinh. Thực tế ta có thể dùng loại thuốc norpregnane, normegestrol acetat 5mg/ngày, promegestone 0,5 mg/ngày (Lutenyl, Surgestone).
- Vòng tránh thai: có lẽ là biện pháp tốt nhất ở tuổi trên 40 nếu vòng đã được có thể chấp nhận tốt. Nên dùng loại có ion Ca vì thời gian tác dụng kéo dài nhiều năm, tỷ lệ ngừa thai cao dùng cho đến lúc mãn kinh thật sự. Tác dụng phụ như rong kinh, rong huyết, ra máu kiểu vệt máu kéo dài có thể đưa đến phải lấy vòng ra, lúc đó nên thăm dò nội mạc tử cung (tăng sản, polype, u xơ dưới niêm mạc).
Ở tuổi quanh mãn kinh để ngừa thai:
- Tuổi trên 40 vẫn có thể tiếp tục dùng những biện pháp trước đó nếu đã được cơ thể chấp nhận.
- Thay đổi biện pháp ngừa thai nhưng phải được người phụ nữ chấp nhận.
- Nếu vẫn dùng những biện pháp từ trước thì phải theo dõi sát hơn trước cho đến trên 45 tuổi, tuy khả năng có thai rất thấp. Nếu có tác dụng phụ như ra máu ở tuổi này phải tìm nguyên nhân để chữa trị phù hợp.
Dù sao ta cần thống nhất người phụ nữ trên 40 tuổi không nên sanh đẻ vì:
- Tỷ lệ dị dạng (bệnh Down) cao 2% - 4%.
- Một số bệnh lý khác: cao huyết áp, thuyên tắc tĩnh mạch hậu sản cao gấp 5 lần so với tuổi trẻ.
- Tỷ lệ phải mổ sanh cao đáng kể.
Do vậy phương pháp ngừa thai là điều hầu hết mọi người phụ nữ đều mong muốn trong tuổi quanh mãn kinh này.